Khuyến khích các trường đào tạo kỹ năng sống cho học sinh

Để đảm bảo chất lượng của hoạt động giáo dục kỹ năng sống, Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục liên kết với các đơn vị có chương trình giáo dục về lĩnh vực này để dạy cho học sinh.
Khuyến khích các trường đào tạo kỹ năng sống cho học sinh ảnh 1Học sinh sẽ được trang bị kỹ năng sống ngay từ bậc học mầm non. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, các trường cần giáo dục cho người học những kỹ năng cơ bản, cần thiết, hướng tới hình thành những thói quen tốt giúp người học thành công, đảm bảo vừa phù hợp với thực tiễn và thuần phong mỹ tục Việt Nam, vừa hội nhập quốc tế trong giai đoạn công nghiệp hoá đất nước. Nội dung giáo dục kỹ năng sống phải phù hợp với từng lứa tuổi và tiếp tục được rèn luyện theo mức độ tăng dần.

Cụ thể, đối với trẻ mầm non, cần giúp trẻ nhận thức về bản thân (sự tự tin, tự lực, thực hiện những quy tắc an toàn thông thường, biết làm một số việc đơn giản), hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết (thể hiện tình cảm, sự chia sẻ, hợp tác, kiên trì, vượt khó), hình thành một số kỹ năng ứng xử phù hợp với gia đình, cộng đồng, bạn bè và môi trường. 

Đối với học sinh tiểu học, bên cạnh việc tiếp tục rèn luyện những kỹ năng đã được học ở mầm non, tập trung hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp; kỹ năng kiên trì trong học tập; kỹ năng đúng giờ và làm việc theo yêu cầu; kỹ năng đồng cảm... tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực của học sinh. 

Đối với học sinh trung học, tập trung giáo dục những kỹ năng sống cốt lõi, có ý nghĩa thiết thực cho người học như  kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và hợp tác, kỹ năng tự nhận thức và cảm thông, kỹ năng quản lý cảm xúc và đương đầu với áp lực, kỹ năng tự học. 

Đối với người học tại các trung tâm học tập cộng đồng thì tập trung bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của việc giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống; hình thành và phát triển một số kỹ năng cơ bản như kỹ năng học và tự học suốt đời; kỹ năng phát triển cá nhân và nghề nghiệp; kỹ năng tổ chức công việc hiệu quả; kỹ năng giao tiếp và tạo lập quan hệ xã hội; kỹ năng lắng nghe; kỹ năng chấp nhận sự khác biệt; kỹ năng lựa chọn lối sống khỏe mạnh; kỹ năng làm việc thiện nguyện và phục vụ cộng đồng. 

Bộ cũng đề nghị các cơ sở giáo dục linh hoạt trong phương thức tổ chức giáo dục kỹ năng sống, có thể tích hợp với các môn học, qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, có thể do các cơ sở giáo dục chủ động tổ chức, hoặc liên kết với các đơn vị khác. 

Để đảm bảo chất lượng của hoạt động giáo dục kỹ năng sống, Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục liên kết với các đơn vị vừa có chương trình giáo dục kỹ năng sống cho người học vừa có chương trình bồi dưỡng, tập huấn giáo viên về giáo dục kỹ năng sống.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục nhằm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Theo đó, trọng tâm của giáo dục sẽ chuyển từ dạy chữ sang dạy người, từ nặng về truyền thụ kiến thức sang hình thành các kỹ năng, đạo đức và phẩm chất, lối sống tích cực cho người học./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục