Khuyến khích nước ngoài mua cổ phần của TCTD yếu kém

NHNN đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số tổ chức tín dụng yếu kém và đưa vào diện tái cơ cấu nhằm xử lý dứt điểm.
Khuyến khích nước ngoài mua cổ phần của TCTD yếu kém ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 24/25 phương án tái cơ cấu của các ngân hàng thương mại cổ phần và đang khẩn trương phê duyệt các phương án tái cơ cấu.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng Việt Nam, nhất là tổ chức tín dụng yếu kém nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau gần 2 năm thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, ngành Ngân hàng Việt Nam dường như đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ tái cơ cấu sở hữu và tư cách pháp nhân của những ngân hàng cổ phần yếu kém, các công ty tài chính và cho thuê tài chính.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và tiến hành các biện pháp tái cơ cấu đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, đồng thời giám sát và chỉ đạo sát sao quá trình tái cơ cấu tại những ngân hàng này.

Đến nay, tiền gửi và tài sản của cá nhân và doanh nghiệp tại những tổ chức tín dụng thuộc diện tái cơ cấu đều được bảo đảm an toàn, lượng tiền gửi đã tăng đáng kể, nợ xấu giảm dần cả về tỷ trọng tương đối và con số tuyệt đối. Nhiều sai phạm đã được khắc phục, tình hình hoạt động đã được cải thiện một bước, hầu hết các ngân hàng đã có định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng trong dài hạn và xây dựng lộ trình áp dụng qui trình quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số tổ chức tín dụng yếu kém và đưa vào diện tái cơ cấu nhằm xử lý dứt điểm, cơ bản những tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2013 theo đúng mục tiêu và lộ trình đề ra.

Bên cạnh nhóm ngân hàng cổ phần, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% đã hoàn thiện phương án tái cơ cấu. Nhìn chung, nhóm ngân hàng này đều tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp và cách thức tăng vốn điều lệ.

Đối với các quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Quỹ tín dụng nhân dân hoàn thành việc chuyển mô hình hoạt động thành ngân hàng hợp tác xã nhằm thực hiện tốt mục tiêu liên kết hệ thống; hỗ trợ tài chính và điều hòa vốn trong hệ thống các Quỹ tín dụng, giúp các quỹ tín dụng cơ sở hoạt động hiệu quả theo mô hình hợp tác xã. Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị chức năng và hệ thống Quỹ tín dụng thực hiện tái cơ cấu theo đúng lộ trình và có hiệu quả, đảm bảo cho hệ thống Quỹ tín dụng phát triển theo đúng mục tiêu đề ra.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phi ngân hàng xây dựng và triển khai phương án tái cơ cấu. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn từng tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoàn thiện phương án tái cơ cấu và chỉ đạo những tổ chức tín dụng yếu kém khẩn trương hoàn thiện phương án tái cơ cấu. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận các phương án tái cơ cấu của tất cả 13 tổ chức tín dụng phi ngân hàng và đang tiến hành thẩm định những phương án này.

Bên cạnh các biện pháp giải thể, sáp nhập để tiết giảm chi phí hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nỗ lực thực hiện các bước cải cách nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và đặc biệt giám sát, xử lý vấn đề sở hữu chéo, góp phần kiểm soát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Kiên quyết áp dụng Thông tư 02 từ tháng 6/2014 tới đây, buộc các tổ chức tín dụng phải phân loại nợ một cách chính xác, đồng thời xây dựng hệ thống quản trị mới theo hướng phù hợp dần với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Đề cập tới Công ty Quản lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (VAMC), nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến ngày 10/11/2013, VAMC đã nhận hồ sơ từ 20 tổ chức tìn dụng đề nghị bán tổng cộng khoảng 38.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Trong số này, VAMC đã mua lại trên 15.000 tỷ đồng nợ xấu từ 15 tổ chức tín dụng.

“Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương hoàn thiện những thủ tục pháp lý cần thiết để hình thành thị trường mua bán nợ tập trung, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào việc mua bán nợ, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng,” nguồn tin trên nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục