Khuyến khích phát triển đồng bộ loại hình vận tải

Thủ tướng khuyến khích đẩy mạnh phát triển đồng bộ các loại hình vận tải; tăng cường phát triển công nghiệp cơ khí giao thông.
Ngày 24/8, phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Giao thông Vận tải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khuyến khích đẩy mạnh phát triển đồng bộ các loại hình vận tải; đồng thời tăng cường phát triển công nghiệp cơ khí giao thông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong giai đoạn phát triển mới, ngành Giao thông Vận tải cần xác định là ngành phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn nền kinh tế.

Để thực hiện được những mục tiêu này, ngành giao thông vận tải tập trung tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực giao thông vận tải, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và chiến lược quy hoạch phát triển, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ mới; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, chống thất thoát lãng phí, nâng cao chất lượng và tiến độ các công trình giao thông.

Cùng với việc tiếp tục sắp xếp đổi mới và đẩy mạnh cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp an toàn giao thông, phấn đấu giảm thiểu tai nạn giao thông và tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân trong tham gia giao thông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý trong thời gian tới, các phong trào thi đua yêu nước của ngành phải đặc biệt chú trọng đến tính hiệu quả thiết thực, phải bảo đảm tính toàn diện, lâu dài, rộng khắp.

Trong những năm qua, đặc biệt là 20 năm trở lại đây, ngành giao thông vận tải đã xây dựng nhiều công trình giao thông quy mô lớn, tầm cỡ khu vực như cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Mỹ Thuận, cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy, hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Cảng nước sâu Cái Lân, nhà ga T1 cảng hàng không Nội Bài, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Ninh-Trung Lương. Hầu hết các tuyến quốc lộ, cây cầu, sân bay, bến cảng… trên khắp đất nước đều được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới để tạo nên những mạch máu giao thông ngày càng hoàn chỉnh.

Mạng lưới đường giao thông nông thôn đã vươn tới các vùng sâu, vùng xa, cải thiện đáng kể cuộc sống của nhân dân, góp phần đặc biệt quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Đáng chú ý, trục đường bộ xuyên Việt thứ hai của đất nước - đường Hồ Chí Minh, con đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng của đất nước đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 từ Thạch Quảng (Thanh Hóa) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) và giai đoạn II đang được triển khai để nối thông toàn tuyến từ Pắc Pó (Cao Bằng) đến đất mũi Cà Mau vào năm 2013.

Nhiều công trình hạ tầng giao thông được đưa vào khai thác một cách đồng bộ đã tạo điều kiện để phát triển các dịch vụ vận tải. Nhờ đó, hàng năm, tăng trưởng bình quân về vận tải hành khách và hàng hóa trong giai đoạn qua được nâng lên 8,5%, góp phần vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của ngành./.

Uông Lam (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục