Khuyến khích phát triển hợp tác công tư và y tế công lập

Ngành y tế khuyến khích phát triển y tế công lập và hình thức hợp tác công tư, đẩy mạnh thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Khuyến khích phát triển hợp tác công tư và y tế công lập ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Chiều 29/3 tại Hà Nội, Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác khám chữa bệnh năm 2016 khu vực phía Bắc với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các Bệnh viện Trung ương, Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, y tế ngành khu vực phía Bắc.

Trong năm 2016, công tác khám chữa bệnh tập trung vào phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.

Ngành y tế tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện đề án giảm quá tải bệnh viện, từng bước thiết lập lại hệ thống chuyển tuyến trong khám chữa bệnh, khuyến khích việc khám chữa bệnh đúng tuyến.

Ngành khuyến khích phát triển y tế công lập và hình thức hợp tác công tư, đẩy mạnh thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Bên cạnh từng bước thực hiện theo lộ trình khung giá dịch vụ y tế mới trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí khám chữa bệnh, đồng thời hỗ trợ phù hợp cho đối tượng chính sách, người nghèo, ngành phát triển các dịch vụ khám chữa bệnh phổ cập hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân kết hợp với phát triển các dịch vụ y tế chuyên sâu, dịch vụ y tế kỹ thuật cao; hiện đại hóa và phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

Ngành tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thực hiện đổi mới về quản lý, về kiến thức, về quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm của quá trình chăm sóc và điều trị, về cách làm và phương pháp; tiếp tục công tác giảm quá tải bệnh viện, đẩy mạnh triển khai chính sách chất lượng và chương trình hành động quốc gia về quản lý chất lượng, tăng cường công tác quản lý bệnh viện về nhân lực, tài chính, chuyên môn, kỹ thuật...

Trong năm 2015, hệ thống hơn 1.300 bệnh viện đã khám và điều trị nội trú cho hơn 146 triệu lượt người bệnh, tăng 4,5% (khoảng 6,3 triệu lượt người) so với năm 2014. Trong đó số lượt bệnh nhân nhập viện nội trú năm 2015 là 13,5 triệu người.

Nhiều dự án xây mới và cải tạo nâng cấp bệnh viện hoàn thành đã góp phần tăng số giường bệnh, giảm quá tải bệnh viện. Hiện nay, số giường bệnh trên 10.000 dân thực kê tại ba tuyến trung ương, tỉnh, huyện (bao gồm cả bệnh viện tư nhân và y tế ngành) là 32,1 giường, tăng được 7,4 giường bệnh/10.000 dân so với năm 2012 (24,7 giường bệnh/10.000 dân). Nhờ đó, việc thực hiện cam kết giảm quá tải bệnh viện bước đầu đã có những thành công nhất định.

Đến nay đã có 90% (35/39 bệnh viện) số bệnh viện tuyến Trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép giường bệnh trong bệnh viện tùy theo từng cấp độ: cam kết không nằm ghép ngay sau khi vào viện; cam kết không nằm ghép sau 24 giờ vào viện; cam kết không nằm ghép sau 48 giờ vào viện.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh có tới 29/31 bệnh viện tuyến cuối cam kết không để người bệnh nằm ghép trong bệnh viện. Tại tuyến Trung ương có tới 80% số bệnh viện khẳng định cũng như qua theo dõi, giám sát không còn tình trạng người bệnh nằm ghép.

Năm 2015 mạng lưới bệnh viện vệ tinh tiếp tục kiện toàn, phát triển và bổ sung mạng lưới, nâng số bệnh viện vệ tinh lên 15 bệnh viện hạt nhân và 53 bệnh viện vệ tinh phân bố tại 37 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó có tám bệnh viện hạt nhân trực thuộc Bộ Y tế; sáu bệnh viện hạt nhân thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 3/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện,” đến ngày 31/1/2016 đã có 1.273 bệnh viện các tuyến hoàn thành việc tự đánh giá chất lượng và nhập báo cáo trực tuyến, chiếm 98,6%.

Điểm trung bình của toàn bộ các bệnh viện Việt Nam do tự đánh giá đạt 3,1 điểm, do cơ quan đánh giá đạt 2,8 điểm, thấp hơn khoảng 0,2-0,3 điểm so với điểm tự đánh giá. Như vậy sự chênh lệch giữa nội và ngoại kiểm trên toàn quốc chênh lệch không nhiều, khoảng 7%.

Kết quả điểm trung bình của các tuyến trung ương là 3,5; tuyến tỉnh, thành phố là 2,8; tuyến quận, huyện là 2,6. Các bệnh viện ngoài công lập có kết quả đánh giá là 2,53 và 2,9.

So sánh kết quả này với năm 2013, 2014 của các tuyến tuyến trung ương, tỉnh, thành phố, quân, huyện, tư nhân đều cho thấy điểm đánh giá chất lượng tăng cao hơn so với năm trước, phản ánh thực tế nhiều bệnh viện đã tích cực cải tiến chất lượng. Kết quả đánh giá của các bệnh viện tuyến Trung ương cao hơn so với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và tư nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục