Khuyến nghị nhiều giải pháp để Việt Nam phát triển bền vững

Tại hội thảo Việt Nam học, các nhà khoa học đã khuyến nghị nhiều giải pháp về kinh tế, khoa học công nghệ và biến đổi khí hậu giúp VIệt Nam phát triển bền vững.
Khuyến nghị nhiều giải pháp để Việt Nam phát triển bền vững ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-16/12 thực sự là một diễn đàn học thuật quốc tế. Các nhà khoa học trong, ngoài nước đã cùng thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể về các thách thức, vấn đề đương đại mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Tại hội thảo lần này, ngoài những nội dung lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các nhà khoa học đã đề cập đến những nghiên cứu Việt Nam rộng hơn, bao gồm cả vấn đề về kinh tế, khoa học công nghệ và biến đổi khí hậu.


Đổi mới sự lãnh đạo và quản lý kinh tế

Giáo sư, tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước là về chủ đề “Kinh tế và Sinh kế ” với hơn 230 bài nghiên cứu tập trung vào 3 lĩnh vực: kinh tế, kinh doanh và sinh kế.

Trong số rất nhiều nội dung được nêu ra, đáng chú ý là những vấn đề về tốc độ phát triển kinh tế, con đường công nghiệp hóa, quản trị Nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế, các vấn đề về lao động và tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích thực trạng kinh tế và sinh kế ở Việt Nam cũng như những giải pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị: Về kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo và quản lý theo hướng hiện đại, trong đó khâu đột phá là cải cách hành chính, cơ chế tuyển chọn đội ngũ lãnh đạo, hoàn thiện các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, lao động.

Việt Nam cũng cần kiến tạo những cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận vốn và các nguồn lực khác cho khu vực kinh tế tư nhân, giúp cho thành phần kinh tế này phát triển mạnh. Nhà nước nên có các giải pháp mạnh để cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đủ lực trở thành những thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

Đồng thời, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp và ngành kinh tế nâng cao năng suất lao động thông qua sáng tạo, đổi mới công nghệ, hợp tác và nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bà Cao Thị Khánh Nguyệt, Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã, đang chứng minh được tầm quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Những doanh nghiệp này chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp, 38,9% tổng đầu tư và đóng góp 40% vào tổng thu nhập quốc nội.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, rào cản lớn nhất là việc tiếp cận vốn. Do vậy, cần mở rộng nguồn vốn cho vay đối với doanh nghiệp, chú trọng cải thiện môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh. Các tổ chức tín dụng nên xem xét hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hơn để giảm phụ thuộc vào tài sản cầm cố khi cho vay.

Cùng với hàng loạt các giải pháp về chính sách đáp ứng nhu cầu phát triển của một số lĩnh vực cụ thể, các nhà khoa học cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần rà soát và lập lại chiến lược hội nhập quốc tế.

Song song với việc mở cửa thị trường nội địa trong các cam kết về tự do mậu dịch, phải sớm có chiến lược nuôi dưỡng các ngành công nghiệp có tiềm năng. Đồng thời , thay đổi một cách căn bản chiến lược tiếp nhận FDI , tiếp cận với công nghệ thế giới theo hướng chỉ cấp giấy phép cho những dự án có công nghệ cao và đóng góp trực tiếp vào việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, chuyển dịch sản phẩm lên cao hơn trên chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp chủ đạo.

Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, Việt Nam phải hết sức chú trọng đổi mới chính sách đào tạo nguồn nhân lực theo hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thực tiễn và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động.

Khoa học-công nghệ là động lực phát triển kinh tế-xã hội

Liên quan đến vấn đề “ Chuyển giao tri thức và công nghệ ”, các báo cáo tập trung vào việc đánh giá thực trạng của Việt Nam, so sánh với các nước trong khu vực và những nước có nền kinh tế, khoa học công nghệ phát triển.

Nhận định chung của các báo cáo cho thấy, trong thời gian qua, khoa học và công nghệ Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận, góp phần xây dựng kinh tế-xã hội và bảo vệ đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh việc nâng cao được tiềm lực khoa học và công nghệ , bước đầu hình thành thị trường khoa học-công nghệ, Việt Nam vẫn chưa thực sự coi khoa học-công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới và hoàn thiện thể chế.

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể với mục tiêu thúc đẩy một cách hiệu quả hoạt động khoa học-công nghệ của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam cần tổ chức các chương trình khoa học và công nghệ cho các nhiệm vụ quốc gia quan trọng ; t húc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Đồng thời, có giải pháp để mở rộng thị trường phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ. Việt Nam cần sớm có chính sách phù hợp để đón thời cơ do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ sản xuất trong tương lai đang tạo ra.

Ông Trần Văn Bình, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ để đưa một sản phẩm khoa học công nghệ từ phòng thí nghiệm ra thực tiễn sản xuất bắt buộc phải trải qua giai đoạn ươm tạo. Hạn chế lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay là chỉ đầu tư kinh phí tập trung cho nghiên cứu ở phòng thí nghiệm mà hạn chế đầu tư cho ươm tạo.

Chúng ta có đầu tư cho một số đề tài ở giai đoạn sản xuất thử nghiệm nhưng theo mô hình duyệt cấp kinh phí rồi để các nhà khoa học tự xoay xở, không xưởng sản xuất, không đội ngũ công nhân, không có liên kết đa ngành, liên kết với các doanh nghiệp nên tỷ lệ thành công rất khiêm tốn.

Vì vậy, việc xây dựng những cơ sở ươm tạo bên cạnh hoặc ngay trong các trường đại học, các viện nghiên cứu là cần thiết. Trung tâm ươm tạo có sứ mệnh “đồng hành và hỗ trợ các nhà khoa học trong việc tạo thêm giá trị gia tăng và ươm tạo đến quy mô công nghiệp các sản phẩm và các doanh nghiệp khoa học-công nghệ.”

Minh chứng về mô hình phát triển các chương trình giảng dạy khoa học, công nghệ hiệu quả, ông Jeffrey Goss (Trường Đại học bang Arizona, Hoa Kỳ) cho biết từ năm 2010, Tập đoàn Intel, Trường Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ) cùng các trường đại học, cao đẳng, các công ty và cơ quan khác của Việt Nam đã nỗ lực để hiện đại hóa các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đào tạo toán học ở các trường đại học trên toàn quốc, thông qua việc nâng cấp phòng thí nghiệm, tổ chức các cuộc thi phần mềm và các chương trình đào tạo.

Hoạt động này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách cung cấp một lực lượng lao động được đào tạo trình độ cao tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành công nghiệp công nghệ cao trên toàn cầu. Dự án cũng đưa ra những sáng kiến kinh doanh bằng cách liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp, giúp sinh viên có một nơi để thiết kế, phát triển, thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ mới trong các ngành khoa học-công nghệ.

Ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững

Tại hội thảo Việt Nam học lần này, biến đổi khí hậu là chủ đề được kỳ vọng nhiều nhất trong việc giải quyết các vấn đang đặt ra ở Việt Nam hiện nay. Gần 100 báo cáo tham gia hội thảo đã tập trung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các hoạt động kinh tế xã hội và sức khoẻ cộng đồng; từ đó, đưa ra các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Các chuyên gia về biến đổi khí hậu Việt Nam và quốc tế đã khá thống nhất khi nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Vì vậy, ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu gắn liền với phát triển bền vững được xem là lựa chọn thích hợp nhất cho Việt Nam.

Những giải pháp được đề xuất hết sức đa dạng và phong phú, từ những vấn đề mang tầm khái quát như chiến lược tăng trưởng xanh, đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế chính sách, đổi mới quy hoạch, xây dựng và vận hành hê thống cơ sở dữ liệu quốc gia, tiếp cận liên ngành trong hoạch định chính sách và quản lý phát triển,… cho đến những nội dung hết sức cụ thể như tiếp cận nước sạch sinh hoạt, mô hình nuôi cá trong lồng bè, hệ thống tưới nước tiết kiệm, quản lý và bảo tồn các hệ sinh thái, quy hoạch xây dựng đô thị ven biển Việt Nam theo mô hình ba cấp giảm thiểu, thích nghi và ứng phó…

Vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng, chia sẻ kiến thức bản địa, mô hình sinh kế bền vững cũng được xem là giải pháp hữu hiệu trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Để giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, Việt Nam cần đấy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, khai thác tài nguyên năng lượng gió, năng lượng mặt trời và khí sinh học.

Các báo cáo chứng minh rõ luận điểm mới, đó là dù bị tổn thương nặng nề do biến đổi khí hâu nhưng Việt Nam vẫn tiên phong ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua phát huy truyền thống, kinh nghiệm phòng chống thiên tai, sản xuất, sinh hoạt, phát huy sức sống xã hội kết hợp với phát triển khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế.

Ông Trương Quang Học, Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng trong hơn 20 năm phát triển theo hướng bền vững, Việt Nam đã thu được những thành tựu nhất định.

Tuy nhiên, những thành tựu đó chưa xứng với tiềm năng của đất nước, phát triển chưa bền vững trong cả bả trụ cột: kinh tế, xã hội và đặc biệt là môi trường.

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu gia tăng, môi trường và tài nguyên suy thoái, gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng…

Giải pháp mang tính chiến lược dành cho Việt Nam để giải quyết vấn đề theo hướng tăng trưởng xanh, đó là đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác quy hoạch; xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; phát triển cách tiếp cận hệ thống-liên ngành dựa trên hệ sinh thái trong hoạch định chính sách và quản lý phát triển… để tạo ra các động lực mới cho sự phát triển của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục