Kịch câm không lặng

"Tiếng vọng hành tinh" phần 2: Kịch câm trở lại

Từng được đón nhận nhiệt tình, kịch câm giờ đang ở đâu? "Tiếng vọng hành tinh" đánh dấu sự thức tỉnh của loại hình nghệ thuật này.
Kịch câm ở Việt Nam từng được đón nhận nhiệt tình nhưng rồi lại phôi phai bởi thiếu một sức hút nào đó ở nội dung các tiểu phẩm, vở diễn. Cuộc sống với bao vấn đề đang nóng hổi nhưng dường như vẫn thiếu nhịp cầu nghệ thuật đưa vào kịch câm. Cho đến khi "Tiếng vọng hành tinh" thực sự thuyết phục, gây tiếng vọng cho một loại hình nghệ thuật gần như đang yếm thế.

Sau 5 năm vở diễn được ghi nhận bằng giải thưởng đặc biệt trong Hội diễn tại thành phố Hồ Chí Minh, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã "thừa thắng" tiếp bước làm "Tiếng vọng hành tinh" phần 2. Tác giả kịch bản và đạo diễn là NSƯT Phạm Thị  Bích Ngọc, biên tập kịch bản là NSƯT Lê Chức.

Kịch câm không lặng

Pantomin (kịch câm hay kịch không lời)  là một loại hình nghệ thuật mới xuất hiện từ giữa thế kỷ 20, bắt đầu từ hai nghệ  sỹ nổi tiếng thế giới là danh hài Sarlo và Marxen Marxo. Đây cũng là đại diện của hai phong cách của loại hình nghệ thuật Pantomin. Sarlo với phong cách hài hước. Trong những tác phẩm của mình ông đã miêu tả cuộc sống một cách hiện thực, châm biếm những thói xấu một cách tinh tế và trào lộng, đưa lại cảm xúc mãnh liệt cho người xem. Với những nhận thức sâu sắc về cái đẹp khiến con người muốn khước từ thói xấu xa để vươn tới sự thanh cao. Còn đối với Marxen Marxo lại khác. Ông đã tạo nên một phong cách điển hình, tính khái quát cao. Qua tác phẩm, ông đã khẳng định cái đẹp đa dạng của Con người, ở đó Con người luôn muốn vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn đời thường và sống để được yêu thương nhiều hơn. Loại hình nghệ thuật Pantomin xuất hiện ở Việt Nam khoảng 40 năm trước. Với những tác phẩm nhỏ lẻ, các nghệ sỹ Pantomin đã dày công chuyển tải cho công chúng khán giả Việt Nam hiểu được những trường phái nghệ thuật mới mẻ này bằng tình cảm ngưỡng mộ của mình. Trong những năm gần đây, dù xuất hiện nhiều nghệ sỹ trẻ nhưng lại có phần hạn chế về sự sáng tạo nên phong trào biểu diễn và thưởng  thức trầm lắng. Cũng có lẽ vì vậy mà các nghệ sỹ trẻ đã trăn trở để tham gia vào sự sáng tạo mới mà quan trọng là  phải có tác phẩm mới. Nếu không, tác  phẩm cũ dù hay đến mấy khán giả cũng chỉ xem lại đến vài lần. Nhiều năm nay khán giả Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang chờ đợi và hy vọng sự phục hưng của Pantomin.
Kỳ vọng với "Tiếng vọng hành tinh" phần 2
Năm 2006 - Trong Liên hoan sân khấu “Xã hội hóa” toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện vở kịch không lời (Pantomin) của NSƯT Phạm Bích Ngọc, vừa là tác giả, vừa là đạo diễn. Kéo dài trên 1 giờ đồng hồ, vở diễn không những đã gây sự chú ý đặc biệt về một vở kịch không lời có thời lượng dài, mà còn được chú ý về nội dung đề cập đến một vấn đề sống còn của con người đang sống trên trái đất. Vở “Tiếng vọng hành tinh” đã đoạt giải đặc biệt trong Hội diễn.
“Tiếng vọng hành tinh” phần 2 sẽ hiện lên qua bàn tay dàn dựng đầy tâm huyết với nghệ thuật kịch câm của NSƯT Phạm Thị Bích Ngọc lại một lần nữa đưa tới cho mọi người câu hỏi cần phải làm gì khi đối diện với thảm họa biến đổi khí hậu toàn cầu hôm nay.

Cảm hứng về hành tinh của chúng ta đã khơi nguồn và tiếp lửa sáng tạo cho các nghệ sĩ. Hai năm qua - 2010 và 2011- khắp các lục địa có nhiều biến động lớn về khí hậu, đe dọa ngày càng lớn, càng mạnh mẽ đến đời sống con người trên trái đất.

Các thảm họa thiên tai, khí hậu đã làm hàng trăm ngôi nhà, trường học, bệnh viện và các công trình văn hóa sụp đổ, hàng vạn người chết và hàng triệu người mất nhà ở, mất người thân.

Thảm họa từ biến đổi khí hậu đã và đang lan rộng khắp ác châu lục và ngày càng gia tăng và trầm trọng. Đứng trước thực trạng này, con người phải làm gì? Đó là câu hỏi mà “Tiếng vọng hành tinh” muốn thể hiện bằng những động tác hình thể đẹp nhất, biểu cảm nhất.
NSƯT Bích Ngọc cho biết chị sẽ cùng các nghệ sĩ cố gắng phục dựng lại, nâng cao ngôn ngữ nghệ thuật kịch câm, dung lượng thể hiện một cách đầy đặn và mang tính biểu tượng nghệ thuật nhiều hơn trong tác phẩm “Tiếng vọng hành tinh” phần 2 để kịp thời ra mắt công chúng. "Đặc biệt là hướng tới sự quan tâm của lớp trẻ đang có nhu cầu cấp thiết hiểu biết về mối quan hệ khăng khít trong sự biến đổi khí hậu trái đất với con người - thiên nhiên - vũ trụ," Chị Ngọc nói. Sau khi hoàn thiện, vở kịch câm “Tiếng vọng hành tinh” có kế hoạch kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đưa tác phẩm trình diễn tại nhiều nơi, từ các thành phố, thị trấn đến vùng cao, ngoài hải đảo... với thông điệp kêu gọi sự quan tâm, chung tay của mọi người để bảo vệ môi trường./.
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục