"Cách tân" sàn diễn Việt

Kịch Mỹ, đạo diễn Mỹ giúp "cách tân" sàn diễn Việt

Đó sẽ là vở kịch khiến cho người xem có những lần "nổi da gà" vì xúc động, gật gù vì tâm đắc-một nghệ sĩ say nghề ẩn danh đã chia sẻ.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của chương trình “Đại sứ Văn hoá” mang tên “Nâng cao kĩ năng diễn xuất cho diễn viên trẻ và tiếp cận nghệ thuật sân khấu Hoa Kỳ qua một tác phẩm kịch nói của Arthur Miller,” Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ lựa chọn dàn dựng vở kịch “Tất cả đều là con tôi” của nhà viết kịch Arthur Miller, nằm trong bộ sách“100 kiệt tác sân khấu thế giới”  do Nhà xuất bản Sân khấu phát hành năm 2006.
Đây là một cơ hội tốt để trao đổi, giao lưu văn hóa, học tập kinh nghiệm giữa các nghệ sỹ, góp phần thúc đẩy quan hệ hiểu biết và thân thiện giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như giới thiệu nhiều hơn nữa đến công chúng yêu sân khấu tại Việt Nam về các tác phẩm của Arthur Miller.

Từ tác phẩm nổi tiếng thế giới
Vở kịch “Tất cả đều là con tôi” là tác phẩm  sân khấu nổi tiếng đã được Đạo diễn Vũ Đình Phòng dàn dựng từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Và nghệ sĩ Lê Mai là mẹ của NSND Lê Khanh khi ấy chính là người đóng vai bà mẹ Kate. Đến bây giờ Lê Khanh đã "tiếp bước" vào vai người mẹ Mỹ vô cùng yêu con và có diễn biến tâm lý phức tạp này. Song lần này là bản diễn mới, với những sáng tạo của một đạo diễn người Mỹ, của một tập thể diễn viên mới trong một giai đoạn mới- giai đoạn hội nhập sâu rộng về mọi mặt. Arthur Miller là một nhà viết kịch lớn của nước Mỹ. Kịch của Miller thể hiện nhiều vấn đề xã hội lớn của nước Mỹ và đã được trình diễn ở những nhà hát lớn nhất của châu Mỹ và châu Âu. Arthur Miller sinh năm 1915 tại thành phố New York, trong một gia đình kinh doanh nhỏ gốc Do thái. Ông bắt đầu viết kịch khi còn là sinh viên. Ông tốt nghiệp đại học năm 1938, kiếm sống bằng cách viết kịch truyền thanh, làm nghề chào hàng… Vở kịch “Tất cả đều là con tôi” (All my sons) được viết năm 1947. Trong kịch của mình, Arthur Miller chống những bất công xã hội, chống phân biệt chủng tộc, “Tất cả đều là con tôi” nói về gia đình Joe Keller - chủ một xí nghiệp chế tạo bộ phận động cơ máy bay, vì chạy theo lợi nhuận, đã giao hàng thiếu phẩm chất, làm nhiều phi công thiệt mạng. Khi việc bại lộ, Keller đã khéo léo đổ trách nhiệm cho bạn là Deever, và ông ta lại bình thản xây dựng cơ đồ riêng, trong lúc bạn đi ngồi tù. Con trai Deever là George biết điều đó, đến nói cho vợ Keller là Kate và con trai Keller là Chris biết, đồng thời  George ngăn không cho em gái là Ann lấy Chris, tuy vậy Keller vẫn ngoan cố không nhận lỗi. Về đời sống tình cảm gia đình, Keller cũng lãnh đạm và chủ quan. Con trai ông ta là Larry, làm phi công, đã mất tích trong chiến tranh, nhưng Kelller yên trí rằng Larry không nằm trong số phi công chết do bàn tay mình, vì những chi tiết máy của xí nghiệp  sản xuất chỉ dùng để lắp máy bay P.40, mà Larry thì lái loại máy bay khác. Nhưng rồi Keller được biết là Larry đã tự tử - đã “bay đi với ý định không trở lại” – sau khi phát hiện ra những tội lỗi của cha. Cuối cùng, Keller tự sát. “Tất cả đều là con tôi” là một bi kịch gia đình, những quan hệ cá nhân chằng chịt và những tình huống tâm lý phức tạp từ đầu đến cuối vở kịch đã hội tụ vào một vấn đề đạo đức xã hội cơ bản của xã hội Mỹ. Thể hiện xung đột giữa lương tâm và đồng đô-la. Theo các nhà Lý luận sân khấu nổi tiếng, kịch của Arthur Miller rất đa dạng về đề tài và phương pháp, là kịch mang khuynh hướng rõ nét, nó làm sống lại truyền thống của một nền sân khấu có nội dung xã hội sâu sắc và chính các nhà phê bình Mỹ đã gắn tên tuổi Arthur Miller với tên tuổi các nhà viết kịch nổi tiếng của thế giới: Henrik Ibsen (Na Uy), nhà viết kịch Bernard Shaw (Anh) và nhà viết kịch Anton Tchekhov (Nga)… Đến "cách tân" sàn diễn Việt Đạo diễn sân khấu người Mỹ Neil Simon Fleckman cho biết: "Ở Mỹ, tôi chưa dựng vở 'Tất cả là con tôi' nhưng tôi đã dựng vở kịch khác của ông. Tôi luôn rất hào hứng khi dựng những vở diễn của Arthur Miller. kịch của ông không có hạn định về thời gian mà luôn nóng hổi tính thời sự. Các diễn viên Việt Nam đã gây bất ngờ cho tôi về thái độ làm việc say mê và chuyên nghiệp của họ." Các trợ lý đạo diễn như Sĩ Tiến và Như Lai đã hỗ trợ cho đạo diễn người Mỹ rất tích cực. Được biết, nghệ sĩ Sĩ Tiến có thể dịch và chuyển yêu cầu bằng tiếng Anh cho các diễn viên trong quá trình tập. Hai kíp nghệ sĩ của vở diễn đều tập rất hiệu quả. Vào vai chủ hãng Joe Keller là các nghệ sĩ Sĩ Tiến -Bá Anh. Đảm nhiệm vai vợ của Joe Keller là NSND Lê Khanh và nghệ sĩ Minh Phương. Các vai trẻ cũng được thể hiện rất hấp dẫn với các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ Thuỳ Dung, Thuỳ Dương, Du Ka, Tùng Anh...cùng với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ.
Kịch Mỹ, đạo diễn Mỹ giúp "cách tân" sàn diễn Việt ảnh 1

Vở kịch có nhiều cách tân trong dàn dựng

Ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, qua phần dựng vở được đạo diễn giỏi người Mỹ hướng dẫn, các nghệ sĩ Việt Nam có dịp học kinh nghiệm về dàn dựng, thể hiện kịch tâm lý. Các nghệ sĩ của chúng ta cũng có dịp mở rộng cách nhìn nhận cũng như đa dạng hóa được cách diễn của mình. Không chỉ những nghệ sĩ trẻ mà cả những diễn viên xuất sắc cũng được dịp học hỏi ấn tượng. Như vậy, bằng hoạt động giao lưu hội nhập sân khấu này, có thể thấy nghệ thuật sân khấu không hề bị giới hạn nặng nề về ngôn ngữ, thậm chí đó còn là cách "mượn thầy phương xa" dạy trò  thật giỏi  để mở rộng vùng hoạt động. Có thể ví dụ như cách diễn đồng hiện lúc hồn ma người con về trong giấc mơ của người mẹ rất thuyết phục người xem. Sự đồng hiện bằng hình ảnh sẽ làm tăng chiều sâu tâm lý hơn rất nhiều. Điều được các nghệ sĩ nhận thấy là đạo diễn người Mỹ Neil Simon Fleckman rất gần gũi nhẹ nhàng mà hiệu quả. Đặc biệt, ông thầy từ Mỹ này luôn yêu cầu các nghệ sĩ phải quay lại giọng thật của mình. Giọng nói không có tăng âm kích tiếng.
Kịch Mỹ, đạo diễn Mỹ giúp "cách tân" sàn diễn Việt ảnh 2

Sẽ không có diễn viên nào đeo, cài micro
Thực tế, cái hào hển, sự rung cảm của mỗi nghệ sĩ được thể hiện chân thực trong giọng diễn có sức cuốn hút rất mạnh. Thế nên, tuy không phải là lần đầu nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ diễn kiểu "phi micro" này song đây lại là một lần bài bản đem lại nhận thức không nên dùng kỹ thuật "bù" cho phần yếu về đài từ. Có như vậy, nghệ sĩ mới chú trọng rèn luyện tiếng nói và âm sắc của mình./.
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục