Kịch tính trên chính trường Canada mới chỉ bắt đầu

“Cuộc chơi” của chính phủ thiểu số có thể kết thúc bằng một cuộc tổng tuyển cử, có nghĩa là khả năng Canada phải tiến hành tổng tuyển cử sớm có thể sẽ được tính bằng tháng, chứ không phải bằng năm.
Kịch tính trên chính trường Canada mới chỉ bắt đầu ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Canada ở Ottawa ngày 23/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Globe and Mail mới đây đã đăng bài bình luận của Campbell Clark, nhà bình luận chuyên viết về chính sách đối ngoại và chính trường Canada, trong đó nhận định rằng những diễn biến đầy kịch tính trong những ngày qua ở Quốc hội nước này chưa có hồi kết, mà trên thực tế mới chỉ bắt đầu. 

“Cuộc chơi” của chính phủ thiểu số có thể kết thúc bằng một cuộc tổng tuyển cử, có nghĩa là khả năng Canada phải tiến hành tổng tuyển cử sớm có thể sẽ được tính bằng tháng, chứ không phải bằng năm.

Thủ tướng Justin Trudeau tỏ ý sẵn sàng mạo hiểm khi cho rằng đề xuất của đảng Bảo thủ về việc thành lập một ủy ban đặc biệt "chống tham nhũng" là vấn đề liên quan đến sự tín nhiệm đối với chính phủ.

Quan trọng hơn, Thủ tướng Trudeau muốn tổ chức một cuộc tổng tuyển cử ngay thời điểm này.

[Những thách thức đối với tân lãnh đạo đảng Bảo thủ tại Canada]

Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Nanos Research tiến hành, đảng Tự do đang ở ngưỡng có thể giành được chính phủ đa số, với 38,5% số người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu cho đảng cầm quyền của Thủ tướng Trudeau.

Các chính phủ đã nắm quyền hơn 5 năm (như trường hợp của chính phủ Trudeau) thông thường sẽ khó có thêm sự ủng hộ của dân chúng. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Bảo thủ Erin O’Toole, đối thủ chính của Thủ tướng Trudeau, vẫn là gương mặt hoàn toàn mới đối với người dân Canada.

Đảng Tự do biết rằng nếu sự ủng hộ của cử tri đi xuống, đảng Bảo thủ sẽ không ngần ngại “kích hoạt” một cuộc tổng tuyển cử.

Đối với Thủ tướng Trudeau, thời gian chờ đợi quá dài sẽ càng đi kèm với nhiều rủi ro, và đó được cho là lý do để đảng Tự do mạo hiểm với đề xuất của đảng Bảo thủ.

Tất nhiên, đảng Tự do không muốn lập ra một ủy ban mới để đào xới những vấn đề liên quan tới tổ chức từ thiện WE Charity.

Trong buổi điều trần trực tuyến trước Ủy ban Tài chính Hạ viện hồi cuối tháng 7/2020, Thủ tướng Trudeau khẳng định tổ chức từ thiện WE Charity không nhận được bất cứ sự đối xử ưu đãi nào từ ông cũng như các thành viên khác trong chính phủ, khi tổ chức này dành được hợp đồng quản lý chương trình Canada Student Service Grant.

Trước khi hợp đồng này được hủy bỏ hôm 3/7, WE Charity đã nhận 33 triệu đô la Canada (CA) trong tổng số tiền phí quản lý 43,5 triệu CAD.

Kịch tính trên chính trường Canada mới chỉ bắt đầu ảnh 2Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại cuộc họp báo ở Ottawa ngày 18/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Canada Student Service Grant, với kinh phí lên đến 912 triệu CAD, là chương trình trả tiền cho sinh viên tham gia công tác tình nguyện, trong khuôn khổ của những nỗ lực của chính phủ nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra đối với nền kinh tế Canada.

Buổi điều trần trên diễn ra trong bối cảnh có nhiều cáo buộc liên quan đến vấn đề xung đột lợi ích chống lại Thủ tướng và các thành viên cao cấp trong nội các, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau.

Phu nhân của Thủ tướng, cũng như mẹ và em trai của ông, đều được trả phí để xuất hiện trong các sự kiện khác nhau của WE Charity.

Đề xuất thành lập một ủy ban chống tham nhũng sẽ đem đến cho đảng đối lập những quyền lực mới, và những "con đường mới" để đánh bại chính phủ đảng Tự do.

Đề xuất này, nếu được thông qua, sẽ cho phép đảng đối lập triệu tập các Bộ trưởng và Thủ tướng để chất vấn về bất cứ vấn đề nào, không chỉ vụ We Charity.

Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Trudeau ngày 21/10 đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khi Hạ viện nước này bác đề xuất của đảng Bảo thủ đối lập. Đề xuất của đảng Bảo thủ đã bị bác bỏ với 146 phiếu thuận và 180 phiếu chống.

Đảng Dân chủ mới (NDP), đảng Xanh và hai nghị sĩ độc lập, đã không đồng tình với đề xuất của đảng đối lập.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu ngày 21/10, nhà lãnh đạo của NDP Jagmeet Singh đã chỉ trích đảng Tự do vì đã đẩy đề xuất của đảng Bảo thủ thành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nhằm châm ngòi cho một cuộc tổng tuyển cử sớm.

Theo ông Nik Nanos, nhà sáng lập Nanos Research, NDP bỏ phiếu chống có thể là do đảng này chưa sẵn sàng cho một cuộc tổng tuyển cử. Theo ông, hiện chỉ có đảng Tự do và đảng Bảo thủ sẵn sàng bước vào chiến dịch tranh cử.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ Erin O’Toole chỉ trích Thủ tướng Trudeau và chính phủ đảng Tự do đã phản ứng thái quá đối với đề xuất của đảng Bảo thủ, cho rằng cuộc bỏ phiếu này được "thiết kế" như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho thấy ông Trudeau muốn đặt “cơ đồ” của đảng Tự do lên trên vấn đề sức khỏe, sự an toàn và hạnh phúc của người dân Canada.

Cuộc chiến quyền lực tại Quốc hội đã bước vào giai đoạn “đếm ngược.” Thủ tướng Trudeau đã phát đi thông điệp sẵn sàng đặt cược vào một cuộc bầu cử sớm. Trong khi đó, phe đối lập dường như đang cho thấy Thủ tướng sẽ không phải chờ đợi quá lâu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục