Kiểm định kỹ thuật tàu cánh ngầm trước khi cho hoạt động trở lại

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cấp phép hoạt động trở lại cho tàu cánh ngầm sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải về tình trạng kỹ thuật, điều kiện an toàn.
Kiểm định kỹ thuật tàu cánh ngầm trước khi cho hoạt động trở lại ảnh 1Hiện trường vụ cháy tàu cánh ngầm hồi tháng 1. (Ảnh: Mạnh Linh/Vietnam+)

Ngày 12/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải do ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn dẫn đầu đã có buổi làm việc với đại diện các chủ tàu cánh ngầm và một số sở ngành liên quan về việc kiểm tra, đánh giá công tác khắc phục khiếm khuyết tàu cánh ngầm trước khi chính thức cho phương tiện này hoạt động trở lại.

Trước đó, vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 20/1/2014, tàu cánh ngầm mang số hiệu Vina Express 01 của Công ty cổ phần tàu cao tốc Vina, chở 92 người, khi xuất bến Bạch Đằng, Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu đã bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Sau sự cố này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố tạm không cấp phép rời cảng, bến đối với các tàu cao tốc cánh ngầm (3 hãng tàu hoạt động) kể từ ngày 22/1.

Thành phố đã lập đoàn kiểm tra các điều kiện an toàn; tiếp đó Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dừng hoạt động các tàu cao tốc cánh ngầm đồng thời lập đoàn kiểm tra của Bộ.

Tại buổi làm việc, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết sông Sài Gòn không thích hợp cho tàu do sông nhiều rác cây. Rác dễ bị hút, làm bịt lỗ thông xông của tàu. Thêm vào đó, tàu đã được sử dụng 20 năm, hệ thống dây điện dễ bị xuống cấp, nguy cơ cháy nổ cao... Ngoài ra, chủ tàu không nên tùy tiện mua hệ thống đinh tán ở “chợ trời” mà hệ thống này phải đồng bộ với kết cấu tàu...

Một đại diện khác trong đoàn của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng chủ tàu không được mua vật liệu trôi nổi, không đảm bảo an toàn với kết cấu, vận hành và phải có chứng chỉ của cơ quan đăng kiểm. Cơ quan quản lý liên quan cũng cần chủ động khảo sát thời tiết để điều chỉnh lịch trình xuất tàu, tránh phụ thuộc vào quyết định của thuyền trưởng.

Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, các đơn vị từ chủ tàu đến cơ quan quản lý Nhà nước phải phối hợp, tránh tình trạng doanh nghiệp đã khắc phục rồi cơ quan đăng kiểm bắt phải làm lại. Thời gian hoạt động trở lại phụ thuộc vào chủ tàu có làm sớm, làm đảm bảo an toàn hay không, ông Thuấn nhấn mạnh.

Theo quan điểm của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ cấp phép hoạt động trở lại cho tàu cánh ngầm sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải về tình trạng kỹ thuật, điều kiện an toàn đối với từng phương tiện cụ thể.

Trong cuộc họp giải quyết vấn đề hoạt động các tàu cao tốc cánh ngầm mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thống nhất với đề nghị của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho phép các tàu cánh ngầm thuộc Công ty cổ phần tàu cao tốc Vina được tiếp tục hoạt động trên cơ sở phải đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định.

Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cũng đã yêu cầu các chủ tàu ngoài việc khắc phục tất cả các khiếm khuyết mà đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải phát hiện, cần lắp đặt, trang bị bổ sung các thiết bị phòng cháy chữa cháy như kết cấu chống cháy cho vách và trần của khoang máy, hệ thống tự động phát hiện báo cháy, camera ở các khoang hành khách, hệ thống chữa cháy cố định buồng máy, các van đóng nhanh đường cấp nhiên liệu...

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa của mỗi địa phương cấp phép cho tàu hoạt động trở lại sau khi các tàu được cơ quan đăng kiểm kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ đạt yêu cầu; tuyệt đối không cấp phép rời cảng khi tàu không đủ điều kiện an toàn.

Ngoài ra, Cảng vụ hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu cần tăng cường giám sát hoạt động tàu cánh ngầm thông qua hệ thống VTS (quản lý hành hải tàu biển) trên suốt hành trình từ Sài Gòn ra Vũng Tàu và ngược lại.

Sau khi phải ngừng hoạt động, hầu hết các hãng tàu lâm vào tình cảnh khó khăn khi không được khai thác, không có tiền trả nhân công, chi phí bảo dưỡng tàu, nhiều người đã phải nghỉ việc, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục