Kiểm lâm, công an bảo kê phá rừng, khai thác vàng ở Kim Hỷ?

Kiểm lâm, công an bảo kê cho phá rừng, khai thác vàng ở Kim Hỷ?

Tình trạng khai thác vàng, gỗ trái phép diễn ra hết sức phức tạp ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Bắc Kạn,còn chính quyền địa phương và lực lượng chức năng không thể hiện được vai trò của mình.
Kiểm lâm, công an bảo kê cho phá rừng, khai thác vàng ở Kim Hỷ? ảnh 1Hiện trường khai thác vàng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. (Ảnh: Nguyễn Trình/Vietnam+)

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được các nhà khoa học trong nước và thế giới đánh giá cao về sự phong phú của nhiều loại động, thực vật quý hiếm thuộc diện phải được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt.

Đây là Khu bảo tồn Quốc gia được thành lập nhằm bảo vệ tài sản thiên nhiên quý giá đó, nhưng nhiều năm nay tình trạng khai thác vàng, gỗ trái phép vẫn diễn ra phức tạp.

Tỉnh Bắc Kạn đã nhiều lần huy động cả quân đội, công an tham gia chiến dịch truy quét “lâm tặc,” “vàng tặc,” song vẫn không thay đổi được tình hình.

Lần theo dấu vết “lâm tặc,” “vàng tặc”

Theo chân một người chuyên cõng thớt thuê, chúng tôi đã chứng kiến nhiều điểm rừng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ gần đây lại bị “lâm tặc” chặt hạ gỗ nghiến, có cây mới bị chặt hạ đường kính trên 1 mét, dài hơn 50 mét, đang được cắt thớt, xẻ thành gỗ hộp, gỗ thanh...

Trên con đường mòn gồ ghề, đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đến được các lũng khai thác vàng trái phép, như Lũng Quang, Nặm Đẩy, Xạ Hang, Lũng Mòn… thuộc thôn Bản Vin, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì (Bắc Kạn); khu vực thôn Bản Lềm, giáp ranh giữa xã Kim Hỷ (huyện Na Rì) với xã Vũ Muộn (huyện Bạch Thông).

Nhóm phóng viên không khỏi kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng hàng chục lán, trại “làm vàng” với cả ngàn người, cùng nhiều loại máy móc công suất lớn, thiết bị hiện đại phục vụ khai thác vàng trái phép như sên cao tốc, máy đông phong 18, máy khoan đá…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những lán trại này đã có mặt ở đây hơn hai tháng, mỗi lán là một nhóm có khoảng 7 đến 10 người, chủ yếu là người ở các xã lân cận và có cả người ở địa phương tham gia.

Khai thác vàng ở đây chủ yếu là đào đất trong hang sâu mang ra để đãi hoặc phụt rửa bằng máy qua hệ thống thảm lọc, rồi dùng máng tay đãi lấy vàng.

Một “bưởng vàng” cho biết, phải thuê người vào làm ở đây trả lương tháng 3,5-4 triệu đồng/người, nuôi ăn, ngày làm khoảng 6 tiếng, công việc là chui vào hang đào đất cho vào bao tải rồi kéo ra. Ngày nào “trúng” thì được khoảng 2 chỉ (tương đương gần 7 triệu đồng) trừ các khoản chi phí xăng dầu, nhân công, “làm luật” thì chỉ còn khoảng 3 triệu đồng.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, không chỉ có hoạt động khai thác vàng mà khai thác gỗ trái phép cũng tiếp tục diễn ra khá ngang nhiên.

Anh Hoàng Văn T, người xã Lương Thượng, Na Rì, cho biết: "Tôi đã từng là người đi vác gỗ, vác thớt thuê cho đầu nậu, nhìn những cây gỗ hàng trăm năm tuổi hàng ngày bị triệt hạ mà thấy đau lòng.

Việc khai thác gỗ ở đây không phải nhỏ lẻ mà có "tổ chức." Cưa hạ cây vào thời điểm nào, vận chuyển vào thời điểm nào đều có sự chỉ đạo. Những trường hợp bị bắt chỉ là những người không thuộc nhóm được chỉ đạo thôi.

Theo chân người dẫn đường đi qua nhiều cánh rừng thuộc Hin Còn, Mu Tèo, Phia Slan… thuộc thôn Nà Vẻn, xã Kim Hỷ, chúng tôi ghi được nhiều hình ảnh các gốc cây gỗ nghiến cũ có, cây mới bị chặt hạ lá vẫn còn tươi cũng có.

Kiểm lâm, công an bảo kê cho phá rừng, khai thác vàng ở Kim Hỷ? ảnh 2 Một thớt gỗ bị ''lâm tặc'' xẻ thịt. (Ảnh: Nguyễn Trình/Vietnam+)

Đường kính của các cây đều trên dưới 1 mét, phần nhiều gỗ đã được bổ ra theo “đơn đặt hàng” và vận chuyển đi. Tuy nhiên, vẫn còn những cây nghiến “lâm tặc” đang “xẻ thịt” để phân loại chưa xong, gỗ dạng hộp có đường kính rộng 25cm, dày 10-15cm, dài khoảng 80cm đến 1 mét; gỗ thanh vuông 10cm, dài 2 mét và gỗ tròn dạng thớt có đường kính từ 40cm trở lên vẫn còn la liệt.

Theo anh Hoàng Văn T, mỗi cục thớt có đường kính rộng 40-45cm, dày 20cm, vác từ rừng ra đến đường nhựa (Quốc lộ 279) được trả công từ 150.000-200.000 đồng; giá bán thớt là 400.000 đồng; gỗ khuôn cửa có chiều rộng 25cm, dày 10cm, dài 3,2m, mang đến đường nhựa mỗi thanh 1 triệu đồng; ván thọ dài 2m, rộng 50cm, dày 5cm có giá bán 1,2 triệu đồng/1 tấm và còn nhiều chủng loại gỗ với mức giá khác nhau.

Các nhà quản lý nói gì?

Để bảo vệ Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, người ta đã đặt các trạm chốt ở những điểm xung yếu, có thể chặn được các đường ra vào của “lâm tặc,” của “vàng tặc.”

Các trạm chốt kiểm lâm canh giữ rừng trực 24/24 giờ nhưng thực trạng tàn phá Khu Bảo tồn vẫn diễn ra phức tạp.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân mà dư luận địa phương nhắc tới là sự “bảo kê” của kiểm lâm cho việc khai thác vàng và gỗ trái phép thì lãnh đạo Khu Bảo tồn không nhắc đến.

Ông Hà Văn Viên, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, tình hình khai thác lâm sản, khoáng sản ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều vụ khai thác đã được các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và khởi tố bị can.

Những lúc nông nhàn hay giáp Tết là thời điểm “nóng” về việc khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép trong Khu Bảo tồn.

Đối tượng thường lợi dụng đường mòn, xe máy để vận chuyển trái phép lâm sản, khoáng sản trong khi đó lực lượng kiểm lâm mỏng và địa hình chia cắt phức tạp nên khó ngăn chặn hết việc khai thác trái phép lâm sản và khoáng sản trong Khu Bảo tồn.

Bên cạnh đó một số đối tượng còn thường xuyên nhắn tin đe dọa, dụ dỗ, mua chuộc lực lượng kiểm lâm làm nhiệm vụ.

Kiểm lâm, công an bảo kê cho phá rừng, khai thác vàng ở Kim Hỷ? ảnh 3 ''Lâm tặc'' vẫn đang từng ngày xẻ thịt Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. (Ảnh: Nguyễn Trình/Vietnam+)

Một người dân địa phương cho biết điểm tập kết gỗ của lâm tặc chỉ cách chốt kiểm lâm tại thôn Nà Mỏ, xã Kim Hỷ khoảng 1km, gỗ vận chuyển qua đều có giá. Chẳng hạn mỗi cục thớt là 50.000 đồng. Tùy từng chủng loại và giá trị của gỗ mà “mức luật” được tăng lên; mỗi xe ôtô chở gỗ phải làm luật từ 15-20 triệu đồng/chuyến.

Còn đối với làm vàng thì “bưởng vàng” phải làm luật 2 triệu/đầu máy nổ. Khi có thông tin lực lượng liên ngành đi kiêm tra thì “trạm chốt” nơi nhận tiền sẽ thông báo cho các “bưởng vàng” và “lâm tặc” để né tránh và được dẫn đi những khu vực không có khai thác để đoàn xem, như khu bảo tồn vẫn được bảo vệ tốt.

Việc khai thác chủ yếu là những nơi có sóng điện thoại để nhận thông tin từ bên ngoài, đề phòng trưòng hợp bất trắc.

Dư luận người dân địa phương đều cho rằng chính quyền địa phương và lực lượng chức năng được “lo lót” trong đó có cả công an xã, kiểm lâm viên, nên việc khai thác vàng, khai thác gỗ trái phép mới diễn ra rầm rộ như vậy(!)

Tuy vậy, việc cung cấp thông tin cho báo chí hoặc cấp trên những chi tiết này không được thể hiện. Câu hỏi về vai trò của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ luôn ở trạng thái “không tin tưởng.”

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Na Rì cho biết lLực lượng liên ngành của huyện cùng với Kiểm lâm thường xuyên tuần tra, kiểm tra phát hiện xử lý các trường hợp khai thác lâm sản và khoáng sản trái phép trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cũng như trên địa bàn huyện, tuy nhiên việc khai thác nhỏ lẻ vẫn diễn ra thường xuyên.

Vấn nạn này làm “đau đầu” các cơ quan chức năng trong khi đó vẫn chưa có cách để chấm dứt triệt để tình trạng khai thác trái phép này.

Các đối tượng khai thác trong Khu Bảo tồn ngoài người ở địa phương còn có nơi khác đến và thường là những thành phần nghiện ngập, trộm cắp nên chúng không sợ mà còn cố thủ trong hang, trong rừng, thậm chí chống đối lực lượng làm nhiệm vụ khi bị truy quét.

Về việc có hay không có chuyện bảo kê cho việc khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Na Rì không cho rằng phải chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ mới biết được.

Ông Nguyễn Hữu Thắng cũng cho biết, Ủy ban Nhân dân huyện có hàng tập những báo cáo của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, của huyện Na Rì, và các báo cáo lần nào cũng đều nói nguyên nhân “Lực lượng kiểm lâm còn thiếu, một số yếu về chuyên môn nghiệp vụ; sự phối hợp giữa trạm chốt với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ; địa hình rừng núi đá hiểm trở, nên…”.

Chẳng nhẽ lực lượng chức năng chỉ “vin” vào những lý do đó, để rồi hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, gỗ quý vẫn tiếp tục bị chặt hạ, “vàng tặc” vẫn tiếp tục cày nát “Khu Bảo tồn?”./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục