Gỡ khó từ nhận thức

Kiểm soát các “dịch bệnh đỏ”: Gỡ khó từ nhận thức

Nâng cao nhận thức của người dân là yếu tố quan trọng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan cũng như khả năng dập dịch.

Chiều ngày 7/5, tại cuộc họp ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm ở gia cầm và gia súc Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Vũ Văn Tám đã nhấn mạnh, cần chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về các dịch bệnh trong danh sách đỏ (dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tai xanh và H7N9) để người dân cùng tham gia giám sát, phát hiện dịch.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá, sự tham gia của người dân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan cũng như khả năng dập dịch hiện nay.

Nhận định tình hình dịch hiện nay trên cả nước, Phó cục trưởng Cục Thú Y Đàm Xuân Thành cho biết, trong 3 tuần qua, toàn quốc không phát sinh ổ dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và dịch tai xanh.

Rút kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch, Phó Cục trưởng cũng đánh giá, ngoài những bất cập trong việc chưa có sự chủ động về nguồn vắcxin phòng dịch, thì yếu tố chủ động trong người dân cũng là một tồn tại lớn.

Đặc biệt, Phó Cục trưởng Cục Thú y xác định, trong thời gian tới, do thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng đàn gia cầm, các hoạt động vận chuyển lậu gia cầm vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, một số gia cầm chưa được tiêm phòng vắcxin… do vậy nguy cơ phát sinh là rất cao, đặc biệt là các địa bàn có ổ dịch cũ, địa bàn có thủy cầm cao.

[Cúm gia cầm: Đằng sau sự yên ả là mối nguy lớn]

Đối với dịch lở mồm long móng mặc dù đã khống chế thành công trên toàn quốc, song trong thời gian tới, các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là những tỉnh có ổ dịch cũ, một số gia súc chưa được tiêm phòng (hoặc mới tiêm phòng) nên nguy cơ phát sinh dịch cũng rất cao.

Đặc biệt, dịch tai xanh tại các tỉnh có dịch cũ: tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã khống chế được dịch, tỉnh Hà Tĩnh, Thái Bình đã cơ bản kiểm soát được dịch, tỉnh Bắc Ninh, Nam Định dịch đã chững lại và đang có chiều hướng đi xuống. Nhưng các tỉnh có dịch và vùng lân cận không thể lơ là việc kiểm soát ngăn chặn tái dịch.

 “Ngoài các công tác phòng chống dịch từ ban chỉ đạo quốc gia đã triển khai về tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng; kết hợp với ngăn chặn, xử phạt việc vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; cũng như việc huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9…  lãnh đạo Cục Thú y, cơ quan Thú y các vùng tiếp tục chỉ đạo địa phương cần tăng cường đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm và hướng tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân chủ động trong việc phòng chống các dịch bệnh,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo và nhắc nhở.

[Quyết liệt chống buôn lậu gia cầm qua biên giới]

Đồng quan điểm, TS. Hạ Thúy Hạnh–Phó giám đốc Khuyến nông Quốc gia cũng đề xuất, trước cơ chế đặc thù của dịch bệnh hiện nay giải pháp ưu tiên đó là tập trung phương tiện truyền thông mang tính cấp xã từ các hộ chăn nuôi. TS. Hạnh cũng nhấn mạnh, Trung tâm khuyến nông sẽ phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện tối đa cho các hộ chăn nuôi trong việc nhận nhiệm vụ khuyến nông mức độ cấp xã./.

Tâm Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục