Kiểm soát căn hộ quy mô nhỏ bằng chỉ tiêu dân số, quy hoạch

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và Thị trường bất động sản, trao đổi với phóng viên TTXVN về việc dự án chung cư được xây căn hộ quy mô nhỏ với diện tích sử dụng tối thiểu 25m2.
Kiểm soát căn hộ quy mô nhỏ bằng chỉ tiêu dân số, quy hoạch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Kể từ 1/7/2020, Thông tư 21/2019 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành chính thức có hiệu lực thi hành.

Các dự án chung cư được xây dựng căn hộ quy mô nhỏ với diện tích sử dụng tối thiểu không dưới hơn 25m2 đối với nhà ở thương mại.

Nhiều người kỳ vọng, quy mô căn hộ nhỏ sẽ đáp ứng khả năng tài chính của nhiều đối tượng có thu nhập hạn chế.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại việc này sẽ khiến các đô thị quay về cảnh chung cư cũ của thời bao cấp.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) xoay quanh vấn đề này.

- Đề xuất cho xây dựng căn hộ chung cư có diện tích nhỏ từ 25 m2 đã được một số doanh nghiệp, hiệp hội đưa ra cách đây vài năm nhưng đến nay mới chính thức được Bộ Xây dựng đưa vào Thông tư 21/2019 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chung cư. Xin Cục trưởng cho biết các căn cứ để xây dựng Thông tư này?

Ông Nguyễn Trọng Ninh: Trong quá trình soạn thảo, ban hành Thông tư 21/2019, Bộ Xây dựng đã tổ chức tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, địa phương, các tổ chức cùng cơ quan liên quan… Việc ban hành này dựa trên 3 cơ sở chính.

Trước hết, dựa trên cơ sở pháp luật thì trong Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã quy định về tiêu chuẩn diện tích tối thiểu của nhà ở xã hội là 25m2.

Cùng đó, Chiến lược phát triển Nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định chỉ tiêu diện nhà ở tối thiểu đến năm 2015 đạt bình quân 6m2/người và đến năm 2020 là 8m2/người.

[TP. HCM: Nhiều ý kiến về căn hộ nhà ở thương mại siêu nhỏ]

Cơ sở thứ 2 căn cứ theo tình hình thực tiễn của kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được công bố. Theo đó, cả nước có gần 2,7 triệu hộ gia đình; trong đó, có 11% hộ độc thân, tương đương khoảng 3 triệu hộ và 18,6% hộ có 2 người - tương đương gần 5 triệu hộ.

Như vậy, số lượng cơ cấu hộ gia đình quy mô nhỏ, từ 1-2 người đặc biệt là hộ độc thân trên cả nước rất lớn. Quy mô căn hộ nhỏ sẽ đáp ứng nhu cầu của những hộ gia đình ít người.

Cùng đó, khảo sát kinh nghiệm quốc tế tại một số quốc gia như: Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan… cho thấy, họ đều cho phép pháp triển căn hộ quy mô nhỏ với diện tích từ 15-20m2 để đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người dân.

Cụ thể, Pháp có những căn hộ chỉ 15m2, Hàn Quốc là 16m2 và Thái Lan từ 18-20m2. Đây là những căn hướng tới hộ độc thân, phục vụ nhu cầu của sinh viên hay các gia đình trẻ.

- Với căn hộ quy mô nhỏ 25m2, nhiều người lo ngại sẽ hình thành khu nhà chung cư cũ như thời bao cấp; thậm chí, sợ chúng trở thành những khu “ổ chuột” mới tại các đô thị. Vậy loại căn hộ này có bắt buộc phải thực hiện tại các dự án nhà ở không và quan điểm của ông về vấn đề này ra sao, thưa Cục trưởng?

Ông Nguyễn Trọng Ninh: Tiêu chuẩn 25m2 tối thiểu cho một căn hộ không áp dụng với tất cả các dự án nhà ở mà tùy thuộc vào nhu cầu cũng như sự đáp ứng các quy định, quy chuẩn liên quan.

Khi cấp phép xây dựng các dự án chung cư, chính quyền các địa phương có trách nhiệm căn cứ theo quy hoạch phân khu, chi tiết, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… để xem xét việc đảm bảo chỉ tiêu dân số, mật độ xây dựng, chiều cao công trình.

Đây chính là cách để đảm bảo kiểm soát về dân số cũng như không quá tải về hạ tầng kỹ thuật, xã hội của dự án và việc kết nối với các khu vực lân cận.

Trên thực tế, chất lượng nhà ở không xác định và đánh giá qua chỉ tiêu diện tích mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như: chất lượng xây dựng, hạ tầng đồng bộ về xã hội, kỹ thuật hay chất vật liệu xây dựng, hoàn thiện...

Ngay trong quy chuẩn, Bộ Xây dựng cũng đã hạn chế việc chủ đầu tư xây dựng quá nhiều căn hộ nhỏ trong một dự án bằng việc khống chế cụ thể với từng dự án.

Theo Thông tư 21/2019, diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư sẽ không nhỏ hơn 25m2 (đối với dự án nhà ở thương mại) nhưng phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45m2 không vượt quá 25% tổng số căn hộ chung cư của dự án.

Cùng đó, căn hộ phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh; được chiếu sáng tự nhiên. Nếu căn hộ có từ hai phòng ở trở lên thì cho phép một phòng không có chiếu sáng tự nhiên.

Diện tích sử dụng của phòng ngủ trong căn hộ chung cư không được nhỏ hơn 9m2, thông thoáng và được chiếu sáng tự nhiên...

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến trong quá trình thực hiện Thông tư 21/2019 để xem xét, sửa đổi, bổ sung nếu có bất cập, vướng mắc xảy ra.

- Theo ông, căn hộ quy mô nhỏ sẽ được thị trường bất động sản đón nhận ra sao?

Ông Nguyễn Trọng Ninh: Việc ra đời căn hộ quy mô nhỏ, có diện tích tầm 25m2 sẽ đáp ứng được sự đòi hỏi đa dạng của thị trường. Hiện, Việt Nam vẫn có nhiều hộ gia đình quy mô nhỏ nên việc cho ra đời căn hộ nhỏ từ 25m2 sẽ góp phần đa dạng hóa cơ cấu căn hộ trên thị trường, đáp ứng nhiều loại nhu cầu của người dân.

Điều này sẽ tạo điều kiện cho những hộ gia đình ít người, mức thu nhập hạn chế có khả năng thanh toán. Như vậy, việc tăng cầu căn hộ diện tích nhỏ, có giá bán hợp lý so với phân khúc căn hộ lớn sẽ giúp người dân dễ mua bán để giải quyết nhu cầu nhà ở.

Quy chuẩn chỉ là một trong những văn bản về kỹ thuật chứ không phải là yếu tố quyết định sự “nở rộ” hoặc mở rộng phong trào xây dựng toàn căn hộ 25m2.

Việc kiểm soát căn hộ có diện tích nhỏ được không chế thông qua các chỉ tiêu tính toán về mật độ dân cư của dự án. Như vậy, kiểm soát dân số và sự đồng bộ để tránh quá tải về hạ tầng kỹ thuật, xã hội mới là yếu tố quan trọng.

- Trân trọng cảm ơn Cục trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục