Kiểm soát chặt nhập khẩu để nhập siêu chỉ 20%

Cuộc giao ban của Bộ Công Thương thực sự “nóng” vì nhập siêu 10 tháng kề cận ngưỡng cho phép 20% trong khi xuất khẩu lại tăng trưởng âm 13,8%.
Cuộc giao ban trực tuyến về tình hình sản xuất công nghiệp 10 tháng của Bộ Công Thương ngày 3/11 thực sự “nóng” trong bối cảnh nhập siêu 10 tháng kề cận ngưỡng cho phép 20% trong khi xuất khẩu lại tăng trưởng âm 13,8%.
 
Và không có gì lạ khi trong gần 4 giờ liên tục, cuộc giao ban chỉ tập trung vào các giải pháp cụ thể nhằm đạt được mục tiêu cao nhất của Chính phủ: “bằng mọi cách phải kiềm chế nhập siêu.”
 
Kiểm soát chặt các mặt hàng nhập khẩu
 
Kiểm soát chặt các mặt hàng nhập khẩu sẽ là giải pháp chủ đạo nhằm giữ nhập siêu ở mức 20% như kế hoạch; trong đó tập trung kiểm soát các mặt hàng như xăng dầu, hàng tiêu dùng xa xỉ, ôtô.
 
Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu chỉ đạo, đối với xăng dầu là mặt hàng mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được, từ nay đến hết năm, Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN - chủ đầu tư nhà máy lọc dầu Dung Quất), Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và 11 đầu mối tiêu thụ xăng dầu cần hợp tác chặt chẽ, cân đối cung cầu để ưu tiên tiêu thụ hết khoảng 800 nghìn tấn sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất; đồng thời giảm bớt hoặc ngừng lượng xăng dầu nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu.
 
Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Petrolimex - doanh nghiệp chiếm tới 60% thị phần tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam lại cho rằng, từ khi nhà máy lọc dầu cho ra tấn sản phẩm xăng dầu đầu tiên, Petrolimex mới chỉ mua được của Dung Quất 87 nghìn tấn các loại. Hiện việc tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của Dung Quất vẫn thông qua cấp trung gian là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), gây bị động cho các đầu mối tiêu thụ trong việc lập kế hoạch nhập khẩu và tiêu thụ.
 
Ông Bảo đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo PVN có cơ chế giao thẳng cho Nhà máy Dung Quất trực tiếp bán sản phẩm cho các đầu mối, “tránh tình trạng dư thừa xăng dầu như hiện nay rồi mới gọi đến Petrolimex.” Đồng quan điểm với ông Bảo, Thứ trưởng Khu đề nghị PVN xây dựng quy chế tiêu thụ xăng dầu, tránh tình trạng phân phối không hợp lý giữa các đầu mối tiêu thụ như phản ánh của doanh nghiệp.
 
Bên cạnh giải pháp giảm nhập khẩu xăng dầu, 3 thứ trưởng khác của Bộ Công Thương là Nguyễn Thành Biên, Lê Danh Vĩnh, Lê Dương Quang còn đề nghị kiểm soát chặt các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như mỹ phẩm, ôtô dưới 9 chỗ ngồi; trong đó đề nghị ngân hàng không cho vay nhập khẩu mặt hàng điện thoại di động. Nhằm giảm nhập siêu, Vụ Xuất nhập khẩu sẽ phải rà soát lại tất cả các mặt hàng nhập khẩu, xem lại danh mục các mặt hàng tiêu dùng do nhà nước quản lý bởi danh mục này đã được ban hành 3 năm, hiện đã có nhiều thay đổi; đồng thời xem xét việc cấp giấy nhập khẩu tự động để không khuyến khích hoặc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết.
 
Đặc biệt, đối với việc nhập khẩu thép từ ASEAN đang tăng lên khi mức thuế suất theo cam kết bằng 0% trong khi thị phần thép trong nước giảm rõ rệt, đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chất lượng thép nhập khẩu, nhất là thép cuộn từ ASEAN để đảm bảo cân đối cung cầu và bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
 
Tận dụng ưu đãi đẩy mạnh xuất khẩu
 
Mặc dù mọi cố gắng trong hai tháng cuối năm khó có thể đưa xuất khẩu đạt tăng trưởng như kế hoạch đề ra cho năm 2009 nhưng việc tận dụng mọi ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế quan trong khu vực mậu dịch tự do sẽ giúp doanh nghiệp tăng giá trị xuất khẩu trong hai tháng còn lại và trong năm 2010.
 
Theo Thứ trưởng Biên, việc tận dụng các ưu đãi này đặc biệt quan trọng vì giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng tăng về lượng, giảm về giá trị cũng như đảm bảo cân đối cán cân xuất nhập khẩu khi mở cửa thị trường. Bên cạnh tận dụng các ưu đãi về thuế, vấn đề phối hợp giữa doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý cần phải tăng cường hơn nữa để công tác điều hành xuất khẩu hiệu quả, tránh tình trạng bị ép giá hoặc khi giá lên lại thiếu hàng xuất khẩu.
 
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng: vấn đề điều hành tỷ giá theo biên độ cộng trừ 5% đang dẫn tới tình trạng găm giữ ngoại tệ, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi mua bán ngoại tệ. Vì vậy, ngân hàng cần nghiên cứu chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
 
Đặc biệt, để đối phó với việc các nước như Mỹ, EU áp thuế bán chống phá giá và các hàng rào thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cùng với việc phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hiệp hội, Vụ Thị trường trong nước, vụ Xuất nhập khẩu để có các chính sách đối phó kịp thời, các doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với Cục quản lý cạnh tranh rà soát lại tỷ trọng xuất khẩu theo thị trường, tránh tình trạng mất cân đối về tỷ trọng xuất khẩu vào một thị trường, khiến các nước áp dụng mức thuế suất bất lợi.
 
Với mặt hàng dệt may là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu, đại diện Tập đoàn và Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong việc vay vốn ưu đãi (nhất là với đề án 10 tỷ mét vải), tạo điều kiện cho ngành dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu và xúc tiến thương mại hiệu quả.
 
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Khu khẳng định, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp đồng bộ như đã đề ra, một giải pháp quan trọng khác chính là các cơ quan quản lý phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính có liên quan đến xuất nhập khẩu, cảng, thuế, hải quan để đẩy mạnh xuất khẩu, bù vào chỉ tiêu xuất khẩu âm 13,8% hiện nay.
 
Thứ trưởng Khu yêu cầu không tổ chức hội họp nhiều mà tập trung vào việc phối hợp điều hành, tháo gỡ “đến nơi đến chốn” các khó khăn phát sinh giúp doanh nghiệp. Thứ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý của Bộ như Vụ Xuất nhập khẩu phải đi làm vào thứ 7 để giải quyết sớm nhất việc cấp giấy phép xuất khẩu cho doanh nghiệp. Bộ cũng sẽ thường xuyên cử các đoàn công tác xuống doanh nghiệp và địa phương giải quyết ngay các vướng mắc kịp thời.
 
Ngoài các giải pháp về kiềm chế nhập siêu, đẩy mạnh xuất khẩu, từ nay đến cuối năm, giải pháp khá hiệu quả góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng đóng góp cho nền kinh tế chính là khai thác tối đa cơ chế ưu đãi kinh tế của Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng để tăng giá trị và hưởng lợi từ gói kích cầu đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục