Kiểm soát sử dụng hóa chất tạo nạc: Cần sự chung tay

Theo Cục Chăn nuôi, cần tạo dư luận xã hội, từ cơ quan quản lý đến người sản xuất, người tiêu dùng trong kiểm soát sử dụng hóa chất tạo nạc.
Trước hiện tượng tái sử dụng hóa chất tạo nạc trên lợn, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, cũng như gây tâm lý hoang mang cho người dân và xã hội, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) về tình hình kiểm soát, sử dụng hóa chất tạo nạc trên lợn.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

- Xin ông đánh giá về thực trạng kiểm soát chất tạo nạc trên lợn hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Thực chất việc sử dụng hóa chất tạo nạc trên lợn được phát hiện và kiểm soát từ năm 2007-2008, nhưng từ cuối năm 2011 đã tái xuất hiện hiện tượng sử dụng hóa chất tạo nạc do đối tượng sử dụng đã thay đổi. Bên cạnh đó, do giá thịt lợn tăng cao đột biến cộng với nguy cơ thiếu thịt vào dịp tết cũng là thời cơ để những kẻ “hám lợi” làm “liều.”

Nếu như thời điểm năm 2007-2008, việc sử dụng hóa chất tạo nạc được đưa ngay vào khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nhà máy sản xuất hay cơ sở bán thức ăn chăn nuôi, thì hiện nay việc tái sử dụng chất cấm lại lén lút thông qua những người buôn bán nhỏ, thuốc thú y hoặc chính thương lái bán trực tiếp cho người chăn nuôi để đưa trực tiếp vào máng ăn của lợn tại chuồng, đối với những hộ chăn nuôi gia trại quy mô trung bình. Đây là những đối tượng cần phải kiểm soát chặt chẽ vì nước ta có khá nhiều gia trại len lỏi trong xóm, làng và khu vực ngoại thành.

Do đối tượng sử dụng đã thay đổi hình thức hoạt động nên thời gian qua, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan quyết liệt kiểm tra ngay tại chuồng nuôi, kiểm soát các cơ sở thú y, đặc biệt chú ý tới các đối tượng chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa tại các bếp nấu công nghiệp, tập thể, nhà hàng…; đồng thời kiểm soát chặt chẽ thương lái và các cơ sở giết mổ, lợn trước khi đưa vào giết mổ phải được lấy mẫu kiểm tra, nếu trong nước tiểu của lợn có sử dụng chất tạo nạc thì không cho giết mổ mà bắt nuôi tiếp trong thời gian ít nhất 7 ngày để đảm bảo đào thải hết chất độc rồi mới đưa vào giết mổ, nếu là vi phạm lần đầu. Nếu tiếp tục vi phạm thì phải xử phạt, tước giấy phép, thậm chí xử lý hình sự theo pháp luật.

Trường hợp phát hiện sản phẩm đã giết mổ có sử dụng chất tạo nạc thì phải tiêu hủy theo đúng quy chế và chi phí do cơ sở giết mổ chịu trách nhiệm. Đối với người buôn bán tại chợ, cũng kiểm soát và tiêu hủy nếu phát hiện sản phẩm có sử dụng hóa chất tạo nạc. Đặc biệt, các cơ sở giết mổ phải nghiêm túc thực hiện, ký hợp đồng với thương lái hoặc cơ sở chăn nuôi gia súc không sử dụng hóa chất tạo nạc… Cứ như thế, người nọ ràng buộc người kia trong chuỗi cung ứng để đảm bảo sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Vậy theo ông, làm thế nào để kiểm soát được việc sử dụng hóa chất tạo nạc trong tình hình hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Để kiểm soát việc sử dụng hóa chất tạo nạc trên lợn, theo tôi trước mắt cần phải kiểm soát tốt toàn bộ quá trình từ thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi, thương lái, cơ sở giết mổ, người buôn bán…

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. Chúng ta cần tạo ra dư luận xã hội, từ cơ quan quản lý đến người sản xuất, từ người sản xuất đến người tiêu dùng đều phải nâng cao ý thức trong vấn đề sử dụng hóa chất tạo nạc. Đối với cơ quan quản lý, không chỉ có Cục Chăn nuôi và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mà cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng thời của cơ quan Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Hải quan cửa khẩu (Bộ Tài chính), Bộ Y tế và đặc biệt là sự vào cuộc của lãnh đạo 63 tỉnh, thành, cùng với cán bộ chuyên ngành tại cơ sở.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta huy động được tiềm lực toàn xã hội để mỗi cá nhân trong xã hội đều nhận thức được vấn đề và vào cuộc thì chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được triệt để tình hình sử dụng hóa chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn. Không chỉ tự người chăn nuôi thấy việc sử dụng hóa chất này là tội lỗi mà người bên cạnh, hàng xóm khi thấy hiện tượng đó cũng phải lên án và thương lái hay cơ sở giết mổ... phải đặc biệt nhận thức rõ vấn đề này. Cứ như vậy, hiệu ứng chuỗi sẽ đạt hiệu quả khi người nọ tác động người kia.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cùng với các phương tiện thông tin đại chúng cần vào cuộc tích cực trong việc đưa tin công khai các cơ sở giết mổ sử dụng hóa chất tạo nạc, các giải pháp tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn và khuyến cáo người chăn nuôi tuân thủ theo quy định của pháp luật.

- Trước tình hình trên, ông dự báo thế nào về thị trường thịt lợn trong thời gian tới?


Ông Nguyễn Xuân Dương: Thời gian qua, người dân chưa thực sự hiểu sâu sắc về thực trạng sử dụng hóa chất tạo nạc nên có tâm lý e ngại khi sử dụng thịt lợn. Vì vậy, giá thịt lợn hơi cả nước đang xuống thấp tới mức báo động và chỉ còn khoảng 45.000 đồng/kg. Với giá này, theo tôi người chăn nuôi đang thua lỗ. Hiện tượng sử dụng chất tạo nạc đã gây ảnh hưởng không tốt cho ngành chăn nuôi, khi hàng năm cả nước có tới 6 đến 7 triệu hộ chăn nuôi, cung ứng ra thị trường hơn 3 triệu tấn thịt lợn. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu có sự chung tay của toàn xã hội, ngành chăn nuôi sẽ vượt qua khó khăn./.

Thu Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục