“Yêu cầu minh bạch quản lý tài chính, tài sản công ngày càng cao”

Kiểm toán cảnh báo về minh bạch quản lý tài chính, tài sản công

Tổng Kiểm toán Nhà nước cảnh báo việc phải đổi mới phương pháp nghiệp vụ kiểm toán, áp dụng công nghệ thông tin khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra.
Kiểm toán cảnh báo về minh bạch quản lý tài chính, tài sản công ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Vấn đề được Tổng Kiểm toán Nhà nước đặt ra là làm sao đổi mới phương pháp nghiệp vụ kiểm toán, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm toán khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thay đổi sự phát triển của kinh tế, xã hội.

Nói điều này trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán ngày 14/4, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc thừa nhận, nhiệm vụ của ngành trong những năm tới là nặng nề trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều này theo ông đang làm thay đổi toàn diện sự phát triển của kinh tế, đời sống xã hội và cả trong cách quản lý điều hành.

“Đất nước ta đang trong giai đoạn hội nhập, do đó yêu cầu tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công ngày càng cao,” Tổng Kiểm toán Nhà nước thừa nhận.

Điều này theo ông đòi hỏi ngành kiểm toán phải đổi mới phương pháp nghiệp vụ kiểm toán, áp dụng công nghệ mới kỹ thuật cao, công nghệ thông tin trong nghiệp vụ kiểm toán.

Theo ông, chính ngành kiểm toán cần chủ động hội nhập quốc tế để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến.

Cũng từ đó, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cần xác định đào tạo bồi dưỡng tại Kiểm toán Nhà nước là quá trình đào tạo nghề chuyên môn cao, nghề đặc biệt.

Đây cũng chính là vấn đề được Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhắc tới trong cuộc làm việc với Kiểm toán Nhà nước ngày 13/4. Chủ tịch nước đã nhắc nhở ngành kiểm toán cần đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ nhất là nhân lực chất lượng cao.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng yêu cầu Kiểm toán Nhà nước xây dựng văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp với đội ngũ cán bộ công chức trong ngành làm sao “nghệ thì tinh, tâm thì sáng.” Ông cho rằng, “cứ làm như được như 2 chữ Đức Phớc là được” trong đó Phớc nghĩa là khuôn thước.

Riêng với công nghệ thông tin, trong một cuộc họp cách đây ít lâu, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, ông đặt nhiều kỳ vọng. Vấn đề này theo ông nếu không triển khai ngay sẽ tụt hậu. Ông đặt ra thực tế, hiện 35 bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và 63 địa phương đang dùng phần mềm quản lý tài chính TABMIS.

Từ đó, ông đặt câu hỏi: “Vậy khi kiểm toán về tài chính, ngân sách thì thử hỏi ngành ta tiếp cận được cái này chưa, bao nhiêu người thành thạo.”

Cũng tại cuộc họp với cơ quan này hồi đầu năm, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra kinh nghiệm một số nước rằng: “Kiểm toán thế giới không cần xuống đơn vị, chỉ khi cần phỏng vấn, xác minh thì mới phải xuống.” Điều ông chỉ ra là hệ thống kiểm toán của các nước đã được số hóa dữ liệu.

Với Việt Nam, ông Phớc nói về thực tế, nếu sao lưu tài liệu giấy để lưu trữ thì có thể phải mất “cả nhà tài liệu” và điều này buộc cơ quan chức năng phải ứng dụng công nghệ thông tin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục