"Kiểm toán EVN, TKV đáp ứng yêu cầu nền kinh tế"

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ việc kiểm toán hai tập đoàn TKV và EVN là do những bức thiết của nền kinh tế.
Bên lề buổi họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2011, diễn ra tại Hà Nội, ngày 3/3, Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ đã có trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về các vấn đề có liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu cũng như việc kiểm toán Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

- Xin ông cho biết mục tiêu cụ thể của việc kiểm toán đối với quỹ bình ổn xăng dầu sẽ được tiến hành trong năm nay?

Ông Vương Đình Huệ: Như chúng ta đã biết từ năm 2008 đã thực hiện cơ chế cấp bù lỗ trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán chuyên đề bù lỗ và có tác động rất tích cực .

Tuy nhiên từ 2008 đến nay, nhà nước bãi bỏ cấp bù lỗ và điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường. Nhằm tránh điều chỉnh quá nhiều lần trong một năm Chính phủ cho phép các đầu mối kinh doanh xăng dầu trích 1 phần quỹ bình ổn kinh doanh xăng dầu dùng như 1 phần để bù đắp khi tăng giá không cần phải tăng gía mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, tránh điều chỉnh nhỏ giọt.

Tuy nhiên, trong thời gian qua có những ý kiến chưa đồng thuận lắm về việc sử dụng quỹ này. Đối với người dân, thì cho rằng đã lập quỹ bình ổn thì tại sao giá vẫn tăng, độ minh bạch trong việc sử dụng quỹ này như thế nào. Còn bản thân các đầu mối xăng dầu cũng có nhiều ý kiến không thống nhất.

Một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhỏ thì cho rằng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, bởi những doanh nghiệp lớn, thị phần cao, doanh số bán nhiều thì trích lập quỹ lớn và trong khi chưa sử dụng thì sẽ hình thành quỹ lưu động rất lớn. Và với quỹ lớn như thế thì có điều kiện hạ giá thành có thể tạo ra áp lực cạnh tranh về giá bán giữa các doanh.

Đặc biệt trong thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới tăng qua thì Chính phủ đã áp dụng nhiều các giải pháp như giảm thuế nhập khầu đến 0% mà vẫn bị lỗ, trong khi đó có ý kiến cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu đã cạn.

Trong bối cảnh như thế, Kiểm toán Nhà nước quyết định xem xét việc trích lập quỹ bình ổn xăng dầu này như thế nào. Không chỉ kiểm toán ở Tổng công ty xăng đầu Việt Nam mà sẽ kiểm toán tất cả các đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu để đánh giá việc trích lập thực tế sử dụng có đúng mục tiêu hay không, và tác dụng thực sự của quỹ này đối với việc thực hiện lộ trình gía xăng dầu theo cơ chế thị trường để từ đó có kiến nghị với Chính phủ.

- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa kiếm toán năm 2008, nhưng trong kế hoạch kiểm toán 2011 lại tiếp tục có hai tên hai Tập đoàn này. Ông có thể cho biết tại sao chu kỳ kiểm toán của hai Tập đoàn này lại ngắn như thế?

Ông Vương Đình Huệ: Đúng là chu kỳ kiểm toán của 2 tập đoàn này mới được 3 năm (từ năm 2008). Có hai tiêu chí để tiến hành kiểm toán ở các đơn vị, thứ nhất là chu kì kiểm toán của các đơn vị từ 3-5 năm, tiêu chí thứ 2 là do những bức thiết của nền kinh tế.

Năm nay, thực hiện Nghị quyết dài hạn của Đại hội Đảng lần thứ 11 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011, chúng ta kiên trì điều hành nền kinh tế theo hướng thị trường và vận hành các giá nói chung trong đó có gía than, giá điện. Đồng thời phải đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo. Nếu cứ neo giá điện than như bây giờ thì điện than tiếp tục lỗ, vốn đầu tư cho điện than vẫn sẽ thiếu triền miền. Bản thân hai Tập đoàn này cũng không có vốn để đầu tư.

Do đó câu chuyện bài toán thiếu điện, thiếu than vẫn tiếp tục gia tăng. Việc điều chỉnh giá điện vừa rồi là tất yếu bắt buộc phải làm, mặc dù sẽ có những tác động đến chỉ số CPI. Vì thế năm nay theo đề nghị của các đại biểu quốc hội và Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Ngân sách thì Kiểm toán Nhà nước quyết định đưa 2 Tập đoàn này vào kiểm toán.

- Theo ông, nếu giá bán than và điện thấp hoặc cao hơn thị trường, thì hướng điều chỉnh sẽ như thế nào?

Ông Vương Đình Huệ: Vấn đề mức độ điều chỉnh như thế nào thì phải căn cứ từ giá thành thực tế, tìm ra các yếu tố tác động làm tăng hoặc giảm giá . Do đó công tác kiểm toán một mặt làm rõ các yếu tố làm tăng giá điện và than.

Ví dụ với điện, các yếu tố tạo nên giá thành cao là phải mua điện ở những đầu mối ngoài EVVN, kể cả nước ngoài; hay bản thân các loại hình điện chạy bằng nhiệt điện, than thì giá thành đắt; yếu tố về tiền lương...

Còn những yếu tố giảm giá thành là tiêu hao về điện năng, mất mát tổn thấy về điện năng; các khoản chi phí không cần thiết có thể tiết giảm được kể cả chi phí trực tiếp liên quan đến giá thành và chi phí gián tiếp...

Tất cả các giải pháp trên sẽ được kiểm toán làm minh bạch, xem yếu tố nào tăng, hay yếu tố nào có thể tiết giảm được chi phí. Cả nước chia sẻ với 2 tập đoàn này và 2 tập đoàn này cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với cả nước bằng cách phấn đấu hết mức để mà tiết giảm các chi phí. Để minh bạch được điều này thì sẽ tạo ra được sự đồng thuận của xã hội và là căn cứ quan trọng để chính phủ quyết định một mức giá , than như thế nào cho phù hợp./.

Thùy Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục