Kiểm toán Nhà nước đã xử lý tài chính hơn 232.000 tỷ đồng trong 5 năm

Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành nhiều cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề ở những lĩnh vực mới, nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lãng phí, tham nhũng, như quản lý đất đai, đô thị...
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Vieatnam+)
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Vieatnam+)

Trong giai đoạn 2015-2019, Kiểm toán Nhà nước đã xử lý tài chính 323.557 tỷ đồng (kiến nghị tăng thu ngân sách 67.050 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 82.788 tỷ đồng...), tăng trên 3 lần so với nhiệm kỳ trước đó.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị hủy bỏ, thay thế sửa đổi, bổ sung 771 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

[Đảng bộ Bộ Công Thương: Hướng tới nhiều mục tiêu phát triển kinh tế]

Thông tin trên được đưa ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 của Kiểm toán Nhà nước trong bối cảnh ngành vừa bước qua chặng đường 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2020.

Nhìn lại 5 năm qua, kể từ Đại hội Đảng bộ lần thứ VI đến nay, Đảng bộ và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động Kiểm toán Nhà nước đã phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả quan trọng. Với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định tạo đà cho tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được ngành đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực, đột phá, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết đơn vị này đã cung cấp 376 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Ngành cũng chuyển 16 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, kiến nghị điều tra, làm rõ để xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm phát luật hình sự.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành nhiều cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề ở những lĩnh vực mới, nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lãng phí, tham nhũng, như quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên, khoáng sản, các dự án BOT, BT…

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong 5 năm qua đã giúp các đơn vị được kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính-ngân sách, kế toán, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản nhà nước. Ngoài ra, kết quả cũng giúp các đơn vị hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý của mình, đảm bảo quản lý, sử dụng tiền, tài sản của nhà nước đúng pháp luật, có hiệu quả.

Kiểm toán Nhà nước đã xử lý tài chính hơn 232.000 tỷ đồng trong 5 năm ảnh 1Đại hội đại biểu Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 4/8. (Ảnh: Vieatnam+)

Bước sang giai đoạn mới của nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước xác định có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cần đổi mới, sáng tạo, xây dựng đội ngũ có phẩm chất, có năng lực có khả năng hội nhập, ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, cho biết Đại hội đã tổ chức thảo luận, thông qua báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm, chương trình hành động và bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư nhiệm kỳ 2020-2025 để lãnh đạo Đảng bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Nghị quyết đại hội Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước, nhiệm kỳ 2020-2025.

“Đại hội đại biểu Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước lần thứ VII là kết quả của sự chung sức, chung lòng, là sự kết tinh trí tuệ của các cấp ủy đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ với sự chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Các cấp ủy cơ sở đã tập trung lãnh đạo đơn vị nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức, kiểm tra và đổi mới phương thức lãnh đạo.... Những kết quả đạt được trong thời gian qua góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước khóa VI đề ra,” Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục