Kiểm toán Nhà nước: Đôn đốc thu nợ của cơ quan thuế chưa quyết liệt

Theo kết quả kiểm toán, mặc dù tỷ trọng nợ thuế so với thu nội địa (trừ dầu thô) giảm so với các năm trước song hầu hết các địa phương có dư nợ khó thu tăng.
Kiểm toán Nhà nước: Đôn đốc thu nợ của cơ quan thuế chưa quyết liệt ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Ngoài nguyên nhân do tình hình kinh doanh khó khăn, kết quả kiểm toán cho thấy, tình trạng nợ thuế còn do công tác đôn đốc thu nợ thuế của cơ quan thuế tại một số địa phương chưa quyết liệt.

Đây là một phần trong báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố chiều 5/7.

Nợ thuế vượt 5% tổng thu

Ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước cho biết, nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2017 là 82.659 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ của năm 2016. Số nợ này bằng 8,5% số thực thu ngân sách năm 2017 và không đạt mức phấn đấu (5%) theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Hòa, có 55/63 địa phương không đạt mức phấn đấu, đặc biệt 6 địa phương có tỷ lệ dư nợ thuế trên 20% là Đăk Nông 26,46%, Bình Phước 25,7%, Bắc Kạn 24,96%, Gia Lai 24,58%, Điện Biên 22,31%, Cao Bằng 20,89%.

[Sẽ trình nghị quyết xử lý nợ thuế khó đòi tại kỳ họp Quốc hội tháng 10]

Theo kết quả, mặc dù tỷ trọng nợ thuế so với thu nội địa (trừ dầu thô) giảm so với các năm trước song hầu hết các địa phương có dư nợ khó thu tăng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao. Đơn cử, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 25% (1.878 tỷ đồng), thành phố Hà Nội tăng 45,9% (1.671 tỷ đồng), tỉnh Yên Bái tăng 289% (182,3 tỷ đồng), tỉnh Lào Cai tăng 170,6% (236,7 tỷ đồng), tỉnh Thanh Hóa tăng 41,3% (141 tỷ đồng),...

Báo cáo cho thấy, có 31/49 cục thuế được kiểm toán tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 4.130 tỷ đồng. Trong số này, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang tổng hợp chưa đầy đủ 1.395 tỷ đồng, Đồng Nai 974 tỷ đồng, Hà Tĩnh 336 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 230 tỷ đồng,...

Phía Kiểm toán Nhà nước đánh giá, ngoài các nguyên nhân do tình hình kinh doanh khó khăn, thua lỗ, không chấp hành, chây ì, nợ thuế kéo dài thì công tác đôn đốc thu nợ thuế của cơ quan thuế tại một số địa phương chưa quyết liệt, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế chưa kịp thời, triệt để.

Cơ quan này thống kê, chọn mẫu 7 địa phương có số thu thuế và số lượng người nộp thuế lớn trong cả nước (Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ), có 80% số lượt người nộp thuế trong năm được ra thông báo về công khai thông tin nợ thuế. Tuy nhiên, chỉ 26,65% số lượt người nộp thuế được ban hành quyết định cưỡng chế theo quy định.

Cũng theo đánh giá, một số cơ quan thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu của ngành về thu hồi nợ đối với các khoản nợ thuế có khả năng thu đến 31/12/2016, phân loại nợ chưa chính xác. Tình trạng này diễn ra ở một số đơn vị trực thuộc Cục Thuế tỉnh Đăk Lăk; Bình phước; Bình Định; Lâm Đồng.

Kiểm toán Nhà nước: Đôn đốc thu nợ của cơ quan thuế chưa quyết liệt ảnh 2Ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tính thiếu thuế cả trăm tỷ đồng

Ở hướng khác, về chống thất thu thuế, theo báo cáo, việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế còn tình trạng chưa quản lý thu thuế đầy đủ đối với hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân.

Ngoài ra, một số cơ quan thuế cũng chưa yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước nộp chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ và nộp số dư Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp theo quy định. Ví dụ, tại Hà Nội, chênh lệch vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ  là 48,6 tỷ đồng; chưa yêu cầu nộp số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 103,9 tỷ đồng.

Theo kết quả, có tình trạng miễn, giảm thuế trong lĩnh vực xã hội hóa chưa đảm bảo điều kiện theo quy định (tỉnh Đăk Lăk 3 trường hợp, Thái Bình 2 trường hợp) hay chậm tính và phát hành thông báo tiền thuê đất để thu nộp vào ngân sách, xác định tiền thuê đất chưa theo mục đích, ví trí sử dụng đất (Thành phố Hồ Chí Minh).  

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, chất lượng đánh giá rủi ro qua phân tích hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp để xác định doanh nghiệp cần kiểm tra chưa cao. Một số địa phương bị nhắc tên như: Tỉnh Gia Lai, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cũng nêu lên tình trạng: Xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định của pháp luật; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế qua kết quả thanh tra, kiểm tra còn thiếu sót; thanh tra, kiểm tra ngoài phạm vi tại quyết định,...

Việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan hải quan theo đánh giá cũng còn hạn chế. Ví dụ, Cục Hải quan Lào Cai đã chấp nhận giá tính thuế của mặt hàng quặng sắt xuất khẩu chưa phù hợp quy định dẫn đến tính thiếu thuế xuất khẩu 405 tỷ đồng. Hay, tình trạng xác định mã hàng chưa phù hợp quy định về phân loại hàng hóa (Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh); xác định doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu ôtô theo hình thức biếu tặng chưa phù hợp (Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục