Kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại Huế, Hà Tĩnh

Sáng 30/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát tình hình sạt lở vùng ven biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế.
Tiếp tục chuyến công tác tại Thừa Thiên-Huế, sáng 30/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và đoàn công tác của Ủy ban quốc gia Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn đã thị sát tình hình sạt lở vùng ven biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa tập trung phát huy phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời cần phải hết sức chủ động phòng tránh lũ lụt, nhất là lũ quét và sạt lở đất đá.

Đối với ngư dân vùng ven biển, tỉnh phải kiên quyết đưa ngư dân lên bờ không được ở lại tàu thuyền, ngay cả với lồng bè cũng phải kiểm tra, đồng thời đôn đốc các địa phương di dời dân đến nơi an toàn; yêu cầu các hộ dân chằng, néo nhà cửa trước khi bão đến.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 9 giờ ngày 30/9, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức sơ tán được hơn 2.800 hộ, với 11.561 nhân khẩu từ các vùng sạt lở bờ biển, bờ sông đến nơi an toàn; trong đó, huyện Phú Vang di dời được 167 hộ với 568 khẩu, Quảng Điền 85 hộ với 340 khẩu, thị xã Hương Trà 135 hộ với 601 khẩu...

Để chủ động ứng phó với bão số 10, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai các phương án ứng trực và huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ; triển khai 3 sở chỉ huy tại cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Nhà khách Điện Biên và Trung đoàn bộ binh 6 để tiện cho việc điều hành các lực lượng; huy động gần 610 cán bộ, chiến sỹ thường trực từ cơ quan đến các đơn vị và trên 3.400 cán bộ, gần 30 ôtô, trong đó có 8 xe tải, 8 xuồng cao tốc, 2 xe PTR 152, 10 phao tập thể, 5 máy nổ, hệ thống nhà bạt và hàng trăm áo phao cứu hộ...

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Điền cho biết, xác định đây là cơn bão rất mạnh nên các địa phương trong huyện đã triển khai các biện pháp phòng chống ứng phó cơn bão số 10, trọng yếu nhất là vùng thấp trũng, vùng sạt lở ven biển như thôn Tân Mỹ (xã Quảng Ngạn), thôn Tân Lộc, Tân Thành, An Thành (xã Quảng Công). Phòng Giáo dục huyện cũng đã thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 30/9.

Đối với các nhà máy thủy điện Hương Điền và A Lưới, tỉnh chỉ đạo việc điều tiết nước về hạ du và cung cấp kịp thời các thông tin thủy văn cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cứ 2 tiếng đồng hồ/lần để kịp thời xử lý những sự cố có thể xảy ra. Hiện tại, các hồ chứa nước Tả Trạch, Truồi, Hòa Mỹ, Khe Ngang và Thọ Sơn mực nước thấp, đảm bảo an toàn.

Tỉnh đã tổ chức dự trữ 100 tấn gạo; 100 tấn mỳ ăn liền; 230 ngàn lít xăng, dầu diesel và dầu hỏa; riêng 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông đã dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số hàng nhu yếu phẩm đề phòng mưa lũ dài ngày.

Các đơn vị: Ga Huế, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài và các đơn vị lữ hành, nhà nghỉ, khách sạn đảm bảo an toàn, ổn định cho khách du lịch trong những ngày mưa bão.

Sáng 30/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại tỉnh Hà Tĩnh.

Bộ trưởng yêu cầu, tỉnh tập trung lực lượng di dời dân vùng ven biển, vùng xung yếu đến nơi an toàn trong sáng 30/9; bố trí nhân, vật lực bảo vệ các tuyến đê biển, các công trình hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thị xã về công tác phòng chống lụt bão, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh bố trí lực lượng cùng với vật tư, phương tiện thường xuyên túc trực tại các hồ đập xung yếu để ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Tại các cung đường mưa ngập nước cần phải có người canh gác để tránh sự cố đáng tiếc. Các địa phương tuyên truyền người dân sống gần sông, suối không được chủ quan đi thả lưới, vớt củi khi mưa, bão đổ về./.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục