Kiểm tra phòng chống H7N9 tại sân bay Nội Bài

Chiều 4/4, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã tiến hành đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Chiều 4/4, Đoàn công tác thuộc Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã tiến hành đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại sân bay Nội Bài.

Việc kiểm tra công tác phòng chống cúm A/H7N9 được triển khai sau khi gần đây tại Trung Quốc đã có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm loại virus cúm này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc tăng cường hệ thống giám sát tại cửa khẩu và xây dựng kế hoạch kiểm dịch, phòng chống cúm rất cần thiết.

Để chủ động phòng dịch cúm trên, chiều cùng ngày, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi bàn về công tác phòng chống cúm A/H7N9 và các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống cúm A/H7N9 tại Việt Nam và thành lập các đoàn kiểm tra gồm: lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các vụ, cục kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số tỉnh biên giới.

Cục Y tế dự phòng cũng đã có công văn gửi Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh có hoạt động kiểm dịch tăng cường công tác kiểm dịch, phòng chống lây nhiễm cúm A/H7N9 vào Việt Nam.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho hay, theo thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tính tới ngày 4/4, Trung Quốc đã có thêm 2 ca nhiễm virus H7N9 và 2 người đã tử vong (theo nhiều nguồn tin thì đã có 9 ca nhiễm virus H7N9 và 3 người đã tử vong. Các địa phương đã xuất hiện trường hợp nhiễm virus này gồm có Thượng Hải, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang).

Tất cả các trường hợp trên đều có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tiến tới viêm phổi và suy hô hấp.

Phòng xét nghiệm CDC Trung Quốc xác định các trường hợp trên đều dương tính với cúm A/H7N9 có gen từ nguồn gốc gia cầm. Đây là những trường hợp đầu tiên nhiễm virus cúm A/H7N9 gây bệnh nặng trên người và chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người.

Đánh giá về mức độ nguy hiểm, ông Bình nhận định nguy cơ bùng phát cúm A/H7N9 thành dịch rất lớn. Ông Bình bày tỏ lo ngại về nguy cơ chủng virus cúm trên có thể biến đổi dễ kết hợp với các chủng virus khác thành chủng mới, trong khi đó ngành y tế hiện nay vẫn chưa có vắcxin và thuốc điều trị virus này đặc hiệu.

Đối với người dân, để chủ động phòng cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, nơi ở phải thông thoáng, giữ gìn an toàn thực phẩm và hạn chế tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng nhấn mạnh người dân cần đặc biệt lưu ý không nên sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Người dân khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Đối với trường hợp có các biểu hiện cúm như ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Những người trở về nước từ khi vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế để được theo dõi sức khỏe./.

 
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục