Kiên Giang cần hơn 5.340 tỷ đồng nâng cấp hệ thống đê biển

Trong giai đoạn 2015-2020 và sau năm 2020, tỉnh Kiên Giang cần khoảng 5.340 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống cống, nâng cấp đê biển đang sạt lở nghiêm trọng.
 
Kiên Giang cần hơn 5.340 tỷ đồng nâng cấp hệ thống đê biển ảnh 1Nhiều đoạn đê biển tại Kiên Giang đang bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2015-2020 và sau năm 2020, tỉnh Kiên Giang cần khoảng 5.340 tỷ đồng, trong đó sau năm 2020 là 2.800 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống cống, nâng cấp những đoạn đê biển đang sạt lở nghiêm trọng, nhằm phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện dự án xây dựng 27 cống, đoạn An Biên-An Minh đã triển khai thi công 6 cống, còn lại 21 cống với vốn đầu tư khoảng 604 tỷ đồng, trong đó sau năm 2020 là 300 tỷ đồng chưa được bố trí vốn.

Trên địa bàn hai huyện Kiên Lương và Hòn Đất, dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê biển Cống số 2-Chùa Hang khoảng 1.893 tỷ đồng, trong đó sau năm 2020 là 1.500 tỷ đồng và đoạn T4-T6 cần bổ sung khoảng 500 tỷ đồng.

Tiếp đến, dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê biển Xẻo Rô-Tiểu Dừa thuộc địa bàn hai huyện An Biên và An Minh khoảng 1.449 tỷ đồng, trong đó sau năm 2020 là 1.000 tỷ đồng. Trước mắt, đoạn Mũi Rãnh-Thứ Nhất đang sạt lở nghiêm trọng hơn 2 km cần hơn 200 tỷ đồng và đoạn Tiểu Dừa-Rạch Ông cũng trong tình trạng sạt lở nặng khoảng 9 km cần 900 tỷ đồng để nâng cấp, ngăn chặn xói lở.

Xây dựng đoạn đê chống nước biển dâng kết hợp đường giao thông cho khu dân cư tập trung ở Cống kênh Cụt đến tuyến tránh Minh Lương-Tắc Cậu (Châu Thành) dài hơn 10 km , tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng .

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang còn cần vốn khá lớn để tăng suất đầu tư trồng, phục hồi đai rừng ngập mặn ven biển, tăng khả năng phòng hộ, chống sạt lở bờ biển, đê biển đối với khu vực bãi bồi 50 triệu đồng/ha và bãi lở ít, không có tường mềm giảm sóng 120 triệu đồng/ha.

Kiên Giang có bờ biển dài khoảng 200 km; hệ thống đê biển trên địa bàn dài 212 km từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh) đang trong tình trạng xuống cấp, sạt lở nghiêm trọng.

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết: theo số liệu quan trắc thì mực nước biển dâng hàng năm là 1cm, nếu mực nước biển dâng cao hơn mực thủy chuẩn 0,5 m thì hơn 50% diện tích đồng bằng của tỉnh bị chìm trong nước. Đối với Kiên Giang, lĩnh vực nông-lâm-thuỷ sản chiếm gần 38% cơ cấu GDP của tỉnh thì khi diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, ảnh hưởng bất lợi do biến đổi khí hậu, nước biển dâng chắc chắn sẽ gây tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân nên cần có những giải pháp ứng phó thích hợp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ năm 2010 đến nay, khu vực ven biển Kiên Giang không ổn định và thay đổi theo từng năm, mặc dù có những đoạn được bồi đắp nhưng không đáng kể, xói lở nhiều hơn là bồi tụ.

Hàng năm, vào mùa mưa nước biển dâng cao kết hợp gió Tây Nam với cường độ sóng biển cấp 5 trở lên làm cho nhiều đoạn bờ biển bị xói lở nghiêm trọng. Nhiều nơi sạt lở đến tận khu dân cư như các đoạn đê biển trên địa bàn huyện Hòn Đất, An Biên và An Minh, trong đó đã có 12 hộ dân ở huyện An Minh mất toàn bộ diện tích rừng nhận khoán, 350 hộ đang bị ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống do sạt lở.

Tỉnh Kiên Giang có diện tích rừng phòng hộ ven biển khoảng 8.770 ha, trong đó đất có rừng là 2.950 ha, còn lại là đất trống và 2.056 hộ dân được nhận khoán sản xuất lâm-ngư kết hợp. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí trồng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, đời sống hộ dân nhận khoán đất lâm nghiệp khó khăn nên từ năm 2010 đến nay, tỉnh chỉ trồng được 47 ha rừng phòng hộ ven biển, các biện pháp phòng chống, hạn chế tình trạng xói lở và mất rừng chưa được triển khai.

Bên cạnh đó, triển khai Quyết định số 667 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, tỉnh xây dựng các dự án đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp tuyến đê biển trên địa bàn nhưng thiếu vốn thực hiện, tiến độ chậm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục