Kiên Giang: Đã dập tắt 2 vụ cháy rừng phòng hộ

Hai vụ cháy xảy ra chiều 25/2 ở huyện Phú Quốc, Kiên Giang được dập tắt hoàn toàn nhưng đã thiêu rụi hơn 10 ha rừng tràm phòng hộ.
Đến sáng 26/2, 2 vụ cháy rừng phòng hộ tại khu vực Bãi Trường, xã Dương Tơ và khu vực ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã được dập tắt.

2 vụ cháy liên tiếp xảy ra chiều 25/2 này đã thiêu rụi hoàn toàn hơn 10 ha rừng tràm phòng hộ từ 5 đến 10 năm tuổi.

Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân dẫn đến 2 vụ cháy trên là do một số hộ dân trong vùng đốt cỏ làm rẫy trên phần đất của gia đình mình, nhưng do không kiểm soát được, cộng với thời tiết nắng nóng gay gẳt, cường độ gió mùa Tây Nam mạnh trong khi đường băng cản lửa, ranh giới giữa đất của tư nhân với rừng phòng hộ gần như không có nên lửa rất dễ cháy lan.

Cũng tại Kiên Giang, trong điều kiện nắng nóng gay gắt, có thời điểm nhiệt độ xấp xỉ 38 độ C, toàn tỉnh có khoảng từ 4.000 đến 5.000 ha cây trồng và khoảng 20.000 ha diện tích lúa đông xuân muộn trong giai đoạn làm đồng trổ bông lâm vào cảnh thiếu nước ngọt để tưới.

Nắng hạn gay gắt cũng là nguyên nhân khiến nước mặn từ biển lấn sâu vào nội đồng, đe dọa đến sản xuất, chăn nuôi tại các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương.

Huyện Hòn Đất là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Nước mặn đã theo những dòng kênh như Tri Tôn, kinh Tám Ngàn, kinh Thoại Hà có nơi vào sâu nội đồng tứ giác Long Xuyên đến hơn 10km. Đây cũng là vùng sản xuất lúa, hoa màu, nuôi cá nước ngọt lớn của tỉnh, nên thiệt hại sẽ là không nhỏ.

Riêng tại huyện đảo Kiên Hải, 3 xã Hòn Nghệ, Nam Du, An Sơn hiện có khoảng từ 4.000 đến 5.000 dân cũng đang đối mặt với nạn thiếu nước ngọt.

Một số chủ phương tiện tàu thuyền chở nước ngọt từ đất liền ra đảo bán lại cho người tiêu dùng với mức giá từ 20-25.000 đồng/40 lít, nhưng cũng khó đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của bà con ngư dân tại những xã đảo nói trên./.
Nam Thắng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục