Kiên Giang: Gần 900ha lúa bị nước mặn xâm nhập

Từ đầu tháng Giêng đến nay, nước mặn xâm nhập đã làm thiệt hại gần 900ha lúa ở các xã ven biển huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.
Từ đầu tháng Giêng đến nay, nước mặn xâm nhập đã làm thiệt hại gần 900ha lúa ở các xã ven biển huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, trên tuyến đê biển An Biên-An Minh chưa xây dựng hệ thống cống thủy lợi điều tiết nước, không có nguồn nước ngọt bổ sung để rửa và đẩy mặn, sản xuất vụ mùa phụ thuộc vào nước mưa. Do vậy, trước khi gieo sạ lúa Đông Xuân, nông dân đắp những bờ đập thời vụ giữ ngọt tạm nên dễ xảy ra tình trạng nước mặn xâm nhập đồng đất khi triều cường dâng cao và thiếu nước ngọt tưới cho lúa vào cuối vụ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nước mặn từ biển theo sông Cái Lớn vào sâu trong nội đồng hơn 20km; kênh Rạch Giá-Long Xuyên, kênh Cái Sắn và Đòn Dong nước mặn xâm nhập từ 5-10km, với nồng độ ảnh hưởng đến lúa đo được 4-5‰.

Dự báo, nước mặn tiếp tục xâm nhập sâu hơn, nồng độ tăng cao hơn và diễn biến phức tạp, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa khô từ nửa cuối tháng Ba và tháng Tư. Nguyên nhân do bốn cửa sông chính là Kinh Nhánh, Sông Kiên, An Hòa và Rạch Sỏi chưa đầu tư xây dựng công trình ngăn mặn, chủ động điều tiết nguồn nước.

Ngoài ra, hai huyện nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên là Giang Thành, Kiên Lương lúa Đông Xuân đang phát triển tốt, nhưng khả năng bị xâm nhiễm mặn là rất cao do cửa sông Tà Săng, Tam Bản và cửa Đông Hồ (Hà Tiên) chưa có công trình ngăn mặn; một số cống thủy lợi trên địa bàn hai huyện này mặc dù đã đóng nhưng không ngăn mặn triệt để.

Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp tập trung ngăn nước mặn xâm nhiễm và giữ ngọt trên đồng ruộng phục vụ sản xuất vụ mùa. Cụ thể là đóng 28 cống thủy lợi ngăn mặn trên tuyến đê biển Rạch Giá-Kiên Lương; đắp trên 100 bờ đập thời vụ dọc theo các tuyến sông, kênh rạch; tập trung duy tu, sửa chữa các cống thủy lợi và kiểm tra tình trạng hoạt động, vận hành của cống nhằm đảm bảo điều tiết nguồn nước, ngăn mặn, giữ ngọt triệt để phục vụ sản xuất; theo dõi và thông báo tình hình mực nước tại các trạm đo trong tỉnh, tình hình xâm nhập mặn, diễn biến nguồn nước để các địa phương và nông dân chủ động trong sản xuất.

Vụ Đông Xuân năm nay, tỉnh Kiên Giang xuống giống 290.903ha, đạt 102,7% kế hoạch, tập trung ở vùng Tứ giác Long Xuyên, các trà lúa đang phát triển tốt. Theo đó, vụ đông xuân sớm ở vùng U Minh Thượng đã thu hoạch hơn 25.000ha, năng suất bình quân 5 tấn/ha./.

Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục