Kiên Giang: Liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ tổ yến

Nghề nuôi chim yến ở Kiên Giang được ví như nghề "hái lộc trời;" hiện trên thị trường thành phố Rạch Giá, tổ yến thô có giá 15-25 triệu đồng/kg, sản phẩm tổ yến tinh qua sơ chế 28-45 triệu đồng/kg.
Kiên Giang: Liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ tổ yến ảnh 1Sơ chế sản phẩm yến tinh tại cơ sở yến sào Du Long, Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, sản lượng yến sào thu hoạch năm 2022 của tỉnh ước khoảng 17,5 tấn, tăng 2,9% kế hoạch, tăng gần 2% so với năm 2021.

Nghề nuôi chim yến của tỉnh Kiên Giang được ví như nghề "hái lộc trời" phát triển mạnh trong những năm qua cũng như hiện nay, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho các cơ sở, hộ nuôi. Hiện tại, trên thị trường thành phố Rạch Giá, tổ yến thô có giá 15-25 triệu đồng/kg, sản phẩm tổ yến tinh qua sơ chế 28-45 triệu đồng/kg.

Tỉnh hiện có hơn 2.450 hộ nuôi chim yến, với 2.995 nhà nuôi chim yến, tổng diện tích sàn nuôi hơn 730.630m², tập trung trên địa bàn hai thành Rạch Giá và Hà Tiên, các huyện Châu Thành, Hòn Ðất, Kiên Lương…

Các cơ sở, hộ nuôi đầu tư thiết bị, công nghệ, kỹ thuật, quy trình nuôi ngày càng theo hướng chuyên nghiệp trong dẫn dụ chim yến vào nhà để cho sản phẩm tổ yến hiệu quả.

Tuy nhiên, nghề "hái lộc trời" này ở tỉnh Kiên Giang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập cần các giải pháp đồng bộ về quy hoạch vùng nuôi hợp lý, sản xuất chế biến, thị trường, xây dựng thương hiệu yến sào và những vấn đề liên quan khác để phát triển an toàn, bền vững, khai thác hiệu quả.

Đó là quy hoạch phát triển nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh chậm triển khai thực hiện, phát triển mang tính tự phát; nhà nuôi yến còn nhiều trong nội ô đô thị, gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn phát ra từ thiết bị dẫn dụ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

[Tỉnh Kiên Giang thu hoạch hơn 17 tấn yến sào trong năm 2021]

Việc mua bán sản phẩm tổ yến chưa có thị trường ổn định, nhất là chưa có thị trường xuất khẩu chính ngạch, chủ yếu xuất sản phẩm thô qua đường tiểu ngạch nên chưa mang lại giá trị gia tăng cao và thị trường nội địa phần lớn mua bán tổ yến thô qua các đầu mối. Số lượng nhà nuôi tăng nhanh nhưng nhiều nhà không có yến vào làm tổ…

Để phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả nghề nuôi chim yến hiện nay cũng như về lâu dài, tỉnh Kiên Giang thực hiện quy hoạch vùng nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái môi trường tự nhiên, nghiêm cấm phát triển nuôi chim yến trong nội ô đô thị, khu dân cư kết hợp từng bước di dời cơ sở nuôi ra khỏi địa bàn đô thị.

Ngành chức năng tỉnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim yến cho các cơ sở, hộ nuôi, nhất là chú trọng, khuyến cáo nhân rộng những mô hình hiệu quả, triển khai các giải pháp bảo vệ đàn chim yến tự nhiên tránh bị xâm hại kết hợp với bảo vệ môi trường để phát triển bầy đàn.

Mặt khác, tỉnh có cơ chế quản lý và thúc đẩy sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tổ yến để nâng cao giá trị, hạn chế tình trạng phát triển nuôi chim yến ồ ạt dẫn đến dư thừa, không nơi tiêu thụ, làm hạ giá thành tổ yến…

Tỉnh mời gọi đầu tư nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm từ tổ yến, xây dựng thương hiệu yến sào Kiên Giang, chứng nhận sản phẩm yến sào đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngành chức năng tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nuôi chim yến, sản xuất chế biến, kinh doanh yến sào tham gia các hội chợ thương mại, hội thảo khoa học… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường cho mặt hàng yến sào, xuất khẩu tổ yến, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục