Kiên Giang phấn đấu sản lượng tôm nuôi đạt 63.000 tấn

Năm ​nay, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch nuôi tôm nước lợ trên tổng diện tích 113.000ha, với 3 đối tượng là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh; phấn đấu đạt sản lượng 63.000 tấn.
Kiên Giang phấn đấu sản lượng tôm nuôi đạt 63.000 tấn ảnh 1Thu hoạch tôm. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Năm ​nay, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch nuôi tôm nước lợ trên tổng diện tích 113.000ha, với 3 đối tượng là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh; phấn đấu đạt sản lượng 63.000 tấn.

Trong số đó, nuôi công nghiệp-bán công nghiệp 2.600ha, với sản lượng 16.240 tấn; tôm-lúa 89.000ha, sản lượng 40.838 tấn và quảng canh cải tiến 21.400ha, sản lượng 5.922 tấn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm cho biết tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng kết hợp các địa phương tăng cường giám sát vùng nuôi, nhất là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh để kịp thời xử lý các tình huống xấu phát sinh gây hại tôm nuôi; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn kết hợp chủ động các giải pháp ứng phó nhanh nhạy, hiệu quả.

Tỉnh cũng tăng cường khuyến ngư, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, quy trình nuôi tôm tiên tiến, hiệu quả vào sản xuất. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống, cung ứng giống tốt, sạch bệnh cho nông dân thả nuôi.

Tổ chức lại các vùng nuôi tôm trọng điểm theo hướng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, gắn doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu với vùng nguyên liệu.

Triển khai hiệu quả chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ đã ban hành. Xây dựng lịch thời vụ nuôi tôm phù hợp với điều kiện tự nhiên, sát hợp thực tế từng vùng, tiểu vùng và vận động, khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, rủi ro trong nuôi tôm.

Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các địa phương có vùng nuôi tôm tập trung, khuyến cáo nông dân tuân thủ khung lịch thời vụ thả giống, ngưng thả giống khi thời tiết bất lợi, môi trường, nguồn nước không ổn định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro dịch bệnh có thể xảy ra.

Tập trung nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi để chủ động điều tiết nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi tôm.

Ngoài ra, ngành Thủy sản tỉnh Kiên Giang tổ chức thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm trọng điểm để kịp thời cảnh báo đến người nuôi chủ động ứng phó, sản xuất an toàn, hiệu quả.

Xây dựng các mô hình trình diễn nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp năng suất cao; mô hình tôm-lúa liên kết sản xuất theo hướng VietGAP; nhân rộng quy trình nuôi tôm hai giai đoạn hiệu quả, chất lượng cao.

Tập huấn, hướng dẫn nông dân phương pháp cải tạo ao nuôi, lựa chọn tôm giống rõ nguồn gốc, qua kiểm dịch sạch bệnh để thả nuôi… Tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp.

Đến cuối tháng Hai vừa qua, toàn tỉnh Kiên Giang đã thả giống tôm nuôi hơn 66.260ha, đạt hơn 58,6% kế hoạch, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Lương, Hòn Đất và Gò Quao. Sản lượng thu hoạch khoảng 4.665 tấn, đạt hơn 7,4% kế hoạch, tăng 35,7% so cùng kỳ.

Nguyên nhân tiến độ thả giống tôm nuôi ở Kiên Giang tăng nhanh so với cùng kỳ là do ngoài tình hình thời tiết, các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, ít xảy ra dịch bệnh gây hại thì giá tôm từ đầu năm đến nay ở mức khá cao so với năm 2016.

Cụ thể là tôm sú loại 30 con/kg giá 245.000-250.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng 120.000-130.000 đồng/kg và tôm càng xanh từ 100.000 đồng/kg trở lên nên nông dân phấn khởi đầu tư nuôi tôm.

Ngoài ra, 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh này đăng ký nuôi tôm công nghiệp, với diện tích 883ha, phấn đấu đạt sản lượng 12.264 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, qua theo dõi, quan trắc các điểm cấp nước đầu nguồn phục vụ cho nuôi tôm nước lợ từ đầu năm đến nay, phần lớn các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, độ kiềm, độ trong, hàm lượng oxy hòa tan, hàm lượng ammonia, tiêu hao oxy sinh học… tại các điểm thu mẫu nước ở ngưỡng có lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của tôm nước lợ.

Tuy nhiên, độ mặn, hàm lượng nitrite, phosphate ở một số điểm thu mẫu nước không nằm trong ngưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi.

Đặc biệt, tại một số điểm thu mẫu nước ở huyện An Minh, mật độ vi khuẩn gây bệnh khá cao đã cho thấy tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm đang tồn tại ở ngoài môi trường có khả năng bùng phát dịch bệnh gây hại tôm nuôi.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Kiên Giang, cho hay qua giám sát dịch bệnh đã phát hiện 2 ổ dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, một ổ dịch bệnh đốm trắng ở huyện An Minh; một ổ dịch bệnh đốm trắng ở thị xã Hà Tiên.

Đơn vị đã phối hợp với địa phương giám sát, hỗ trợ hóa chất sát trùng cho hộ nuôi xử lý dứt điểm, tiêu diệt mầm bệnh khi đang còn ở diện hẹp, không để lây lan.

Để hạn chế các rủi ro do sự biến động bất lợi của các yếu tố môi trường và dịch bệnh có thể phát sinh gây hại, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ đúng lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm ​nay; xử lý diệt khuẩn nước thật kỹ trước khi cấp vào ao nuôi, theo dõi và kiểm soát chặt chẽ tình hình sức khỏe tôm nuôi hàng ngày, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để xử lý kịp thời, nhằm hạn chế thiệt hại.

Đồng thời khuyến cáo nông dân, nếu phát hiện tôm nuôi bị bệnh thì báo ngay cho cán bộ thú y địa phương kịp thời xử lý dập tắt ổ dịch, tuyệt đối không được xả nước ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường mà chưa qua xử lý để tránh lây lan trên diện rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục