Kiến là "bậc thầy" trong lĩnh vực canh tác

Từ cách đây 50 triệu năm, loài kiến đã là "bậc thầy" trong lĩnh vực làm vườn.

Từ cách đây 50 triệu năm, loài kiến đã là "bậc thầy" trong lĩnh vực làm vườn.

Đây là kết quả một cuộc nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc trường Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ) tiến hành, vừa được công bố mới đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, kết quả nghiên cứu cho thấy một loài kiến cổ đại, được biết đến với tên khoa học là Atta.ps, đã biết "gieo trồng" một loại nấm để làm thức ăn. Chính vì vậy, loài kiến này còn được gọi là "kiến trồng nấm" hay "kiến cắt lá".

Điều đáng chú ý là họ hàng nhà kiến đã biết cắt lá tươi về để làm phân bón, đồng thời, bất cứ loại cây cỏ nào có hại mọc trong khu vực "canh tác" đều bị chúng cắt dọn triệt để.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số loại sinh vật nguy hiểm, đặc biệt là một loại nấm vi sinh có khả năng hủy hoại toàn bộ thành quả "mùa màng" của loài kiến. Để đối phó với nguy cơ này, loài kiến đã phải sử dụng một "vũ khí" lợi hại hơn, đó là chất "kháng sinh" tự nhiên.

Cùng với quá trình tiến hóa, trên cơ thể những con kiến thợ đã xuất hiện một chất kháng khuẩn hiệu quả, có khả năng chống nấm xâm hại, nói cách khác, có khả năng ức chế sự phát triển của các loại nấm gây hại cho vụ thu hoạch của loài kiến. Chất kháng khuẩn này được bảo vệ, sinh sôi, phát triển ngay trên biểu bì của loài kiến.

Mối quan hệ tương hỗ giữa chất kháng khuẩn và loài kiến "cắt lá" vẫn đang tiếp tục được các nhà khoa học nghiên cứu, giải mã thông qua các công nghệ phân tích phân tử và gien./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục