Kiến nghị đầu tư phương tiện cấp cứu cho 11 trung tâm y tế đảo

Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên kinh phí để đầu tư phương tiện vận chuyển cấp cứu cho 11 bệnh viện/trung tâm y tế đảo.
Kiến nghị đầu tư phương tiện cấp cứu cho 11 trung tâm y tế đảo ảnh 1Bộ Y tế trang bị thiết bị y tế cho ngư dân tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Sáng 17/6, Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo đã họp tại Hà Nội và đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên, bố trí riêng một khoản kinh phí để thực hiện Đề án, tập trung đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trong đó có phương tiện vận chuyển cấp cứu cho 11 bệnh viện/trung tâm y tế đảo.

Bên cạnh đó Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo cũng đề nghị ưu tiên đầu tư đóng mới 1 tàu bệnh viện để phục vụ cấp cứu trên biển; đầu tư để đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã cho các xã đảo, xã ven biển; đối với một số đảo biệt lập, đặc thù cho phép xây dựng phân hiệu của trạm y tế xã.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, Đề án phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020 được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất từ 2013-1015; giai đoạn thứ hai từ 2016-2020. Để kịp thời ứng phó cho các tình huống cấp cứu khi bị nạn trên biển, Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo đã tăng cường công tác chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống khẩn cấp xảy ra.

Theo người đứng đầu ngành y tế, từ năm 2013 đến nay, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã phối hợp đi khảo sát hầu hết các vùng biển đảo trọng điểm về công tác y tế như nhu cầu khám chữa bệnh, cơ sở vật chất và nhân lực của những vùng biển hải đảo. Qua khảo sát cùng thực tiễn phát sinh có những hạng mục phải đẩy nhanh, ưu tiên sớm cho phù hợp với tình hình.

Báo cáo kết quả một năm triển khai và định hướng tiếp theo thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020,” ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho y tế biển đảo đã có nhiều cải thiện.

Viện Y học Biển đã triển khai 4 khóa chuyên khoa định hướng về y học biển cho cho 60 bác sỹ ngành giao thông vận tải, quân y; 4 khóa huấn luyện an toàn lặn biển cho 100 thợ lặn khu vực biển Đông Bắc; tổ chức một số lớp tập huấn cấp cứu trên biển cho hàng nghìn ngư dân khu vực phía Bắc, huyện đảo Lý Sơn; ký kết hai Hiệp định với đối tác là Cộng hòa Pháp và Tập đoàn Aqualung về việc đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ thiết bị lặn biển cho ngư dân Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã tăng cường kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe cho cư dân trên đảo, tổ chức cấp cứu cho 1.641 người (huyện Trường Sa là 44 người); khám bệnh cấp thuốc điều trị cho 32.072 lượt người; Phẫu thuật cho 758 bệnh nhân; khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 13.600 lượt người; tổ chức 5 chuyến bay trực thăng cấp cứu an toàn 7 bệnh nhân nặng từ đảo về đất liền, 8 chuyến tàu quân sự vận chuyển nhiều bệnh nhân an toàn về đất liền...

Theo ông Nguyễn Nam Liên, qua khảo sát, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế vùng biển đảo còn rất khó khăn, thiếu các trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo; cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, không đủ năng lực hoạt động khi có mưa bão chia cắt.

"Mặc dù Quyết định 317 đã nêu nguồn kinh phí để thực hiện Đề án từ nhiều nguồn, nhưng thực tế nguồn vốn để đầu tư cho các cơ sở y tế vùng biển, đảo còn rất hạn chế, chưa có nguồn vốn riêng, vốn trái phiếu chính phủ mới chỉ bố trí được cho 5 huyện đảo nhưng vẫn còn rất thiếu, chưa có nguồn vốn để đầu tư cho các trạm y tế xã tại các đảo và ven biển," ông Liên nhấn mạnh.

Vì vậy, Ban chỉ đạo đã đề nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc thù về số lượng cán bộ y tế, cán bộ y tế các xã đảo, huyện đảo khó khăn được hưởng chế độ phụ cấp thu hút, ưu đãi như cán bộ y tế công tác tại các xã đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị định 64 của Chính phủ.

Đề nghị cấp thuốc thiết yếu cho các tàu để chăm sóc sức khỏe ban đầu, cấp cứu cho ngư dân có thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian trên biển từ nguồn bảo hiểm y tế; ban hành quy định hỗ trợ vận chuyển, cấp cứu trong một số trường hợp đặc biệt.

Bên cạnh đó, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Y tế xây dựng cơ chế phối hợp chỉ huy điều hành và tổ chức lồng ghép các cơ sở y tế với trạm tìm kiếm cứu nạn trên các huyện đảo để tập trung nguồn lực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục