Kiến nghị giảm nhập khẩu để giải tỏa cho Dung Quất

Ông Phùng Đình Thực, Tổng Giám đốc PVN cho rằng, để giảm tồn kho cho Dung Quất hiện nay biện pháp tốt nhất vẫn là giảm nhập khẩu.
Tại buổi họp báo quí III do Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức chiều nay 7/10, tại Hà Nội, ông Phùng Đình Thực, Tổng Giám đốc PVN cho rằng, để giảm tồn kho cho Dung Quất hiện nay biện pháp tốt nhất vẫn là giảm nhập khẩu.

Theo ông Thực, do việc tiêu thụ trong nước giảm 10% so với dự báo trong khi công suất của nhà máy Dung Quất lại vượt 25% khi đi vào hoạt động ổn định thì việc giảm lượng cung của nhà máy sẽ hết sức khó khăn.

"Cho nên, các đơn vị đầu mối dù đã có kế hoạch nhập khẩu từ đầu năm, nhưng trong kế hoạch có thể giải quyết được vì có cái dài hạn, có cái có thể điều chỉnh được thậm chí ký xong rồi có thể bán cho đối tác nước ngoài," ông Thực đề xuất.

Cũng theo ông Thực, việc công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng thêm 25% so với dự báo là do thời điểm trước khi bàn giao, hoạt động của nhà máy gặp nhiều trục trặc thậm chí có thời điểm hoạt động cầm chừng nên khi nhận Dung Quất từ nhà thầu cũng chỉ dự báo công suất tối đa là 80% trong năm 2010.

“Trong bối cảnh như vậy thì trong giai đoạn chuyển tiếp sang chạy chính thức, từ chưa chạy ổn định sang chạy ổn định thì đây là một quá trình bình thường,” ông thực nói thêm.

Ngoài ra, PVN cũng kiến nghị các đơn vị đầu mối mở kho chứa để tăng sức chứa các sản phẩm  của Dung Quất trong thời gian tới.

Theo phân tích của ông Thực, trong quí IV cộng với lượng tồn đọng và sản xuất ra thì lượng xăng dầu sẽ lên đến 2,1 triệu tấn, trong khi các đơn vị đầu mối tiêu thụ như PVOil, Petec và Petrolimex mới ký là 1 triệu 430 ngàn tấn.

Do vậy, mức tồn kho thực tế của nhà máy lọc dầu Dung Quất đến thời điểm hiện nay chỉ  là 70 - 75 ngàn tấn m3 và con số trên 727 ngàn tấn chỉ là con số dự báo đến cuối năm 2010.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban trực tuyến tháng Chín của Bộ Công thương tổ chức ngày 4/10, bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho rằng, điều quan trọng hiện nay là phải tìm giải pháp làm sao có chỗ lưu chứa hết hàng tồn kho tại nhà máy, không để ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Hơn nữa, PVN cũng phải tính đến kế hoạch tiêu thụ sản phẩm vì hiện nay các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu xăng dầu rồi, nếu hủy hợp đồng sẽ bị phạt rất nặng.

Trả lời cho câu hỏi tại sao chỉ có PVOil là đầu mối duy nhất đứng ra tiêu thụ các sản phẩm của Dung Quất, ông Thực khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, thay vì thành lập một bộ máy nữa bên cạnh nhà máy lọc dầu Bình Sơn để chuyên lo đi tiêu thụ xăng dầu thì tốt hơn nên tập trung vào sản xuất trước.

Bởi lẽ, việc làm riêng một bộ máy đi kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn vì nhà máy đang sản xuất  chưa ổn định trong khi đã có một công ty chuyên nghiệp để làm việc này thì tốt hơn là giao cho họ làm đầu mối.

“Ngoài PVOil thì từ giữa năm 2010 đã có thêm Petec và tháng 10 này là Petrolimex làm đầu mối tiêu thụ xăng dầu của Dung Quất,” ông Thực cho biết thêm./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục