COVID-19: Cần áp dụng công nghệ để giảm thiểu số phương tiện phải dừng

Kiến nghị nhiều chính sách gỡ khó cho các doanh nghiệp vận tải

Dịch COVID-19 đã kéo dài tại Việt Nam gần 2 năm, các doanh nghiệp vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì và phục hồi kinh doanh.
Các đơn vị vận tải cũng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các đơn vị vận tải cũng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị vận tải.

Đánh giá hiện nay hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ phòng chống dịch và phát triển kinh tế đã được thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua, tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam thừa nhận vẫn còn tình trạng một số nơi bị ách tắc, lưu thông bị gián đoạn do có nhiều trạm kiểm soát trên đường. Điều này làm giảm hiệu quả của công tác vận tải, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đội ngũ lái xe.

Để giải quyết những khó khăn về lưu thông hàng hóa, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc khi một tỉnh, thành phố công bố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng hoặc các biện pháp phòng chống dịch cao hơn, cần phải đảm bảo lưu thông cho phương tiện vận tải trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh đó. Việc này có thể thông qua biện pháp phân luồng từ xa hoặc cho xe đi theo đường vành đai để lưu thông không bị ách tắc.

Mặt khác, việc kiểm soát phương tiện trên đường cần phải có những nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương, cần áp dụng công nghệ để giảm tới mức thấp nhất số lượng phương tiện phải dừng. Ví dụ phương tiện đi ra từ vùng dịch thì kiểm tra tại gốc, sau đó nhập dữ liệu vào hệ thống để các trạm khác không kiểm tra nữa.

Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đề nghị các Bộ, ngành cần phải đồng bộ trong việc thực hiện những quy định, tránh tình trạng như vừa qua Bộ Y tế đã có quy định đối với lái xe thì giấy chứng nhận xét nghiệm theo phương pháp Test nhanh hay PCR đều được chấp nhận, nhưng một số địa phương vẫn chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm PCR.

Phía Hiệp hội này cũng đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo cho lực lượng lái xe, phụ xe được ưu tiên tiêm vaccine theo Nghị quyết 21 của Chính phủ để phòng ngừa và giảm bớt chi phí xét nghiệm cho lái xe và doanh nghiệp vận tải.

[Doanh nghiệp vận tải có dễ tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng?]

Đối với các vướng mắc liên quan đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, trong thực tế đại dịch COVID-19 đã qua 18 tháng, khi ban hành Thông tư 03 tại thời điểm tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước chưa lường được dịch lần 4 nghiêm trọng như hiện nay nên đã quy định thời hạn cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng là không thực tế.

Kiến nghị nhiều chính sách gỡ khó cho các doanh nghiệp vận tải ảnh 1 Lực lượng cảnh sát giao thông đội 6 quét mã QR các phương tiện vận tải ra, vào thành phố. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

“Với quy định này nhiều doanh nghiệp không thể cơ cấu lại được các khoản nợ, đã khó khăn lại chồng chất khó khăn không đủ điều kiện để tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Chính phủ,” lãnh đạo Hiệp hội Vận tải nói.

Nhìn nhận diễn biến dịch COVID-19 có nhiều biến đổi phức tạp có thể kéo dài, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi Thông tư 03 theo hướng thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 36 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng đã ký).

Hơn nữa, trong tình hình dịch bệnh hiện nay doanh nghiệp không thể trả nợ trước 31/12/2021 theo quy định ở Thông tư 03 do doanh nghiệp vừa trải qua gần 2 năm đầy khó khăn khi doanh thu giảm 80%. Do đó, quy định này làm khó doanh nghiệp.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các khoản nợ phát sinh trước ngày 01/05/2021 cũng được cơ cấu nợ; đề nghị Chính phủ thực hiện cấp bù lãi suất cho các Ngân hàng thương mại để các Ngân hàng thương mại giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp với mức giảm từ 3%/ năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục