Kiến nghị sửa bảo hiểm xã hội tự nguyện phù hợp với phụ nữ

Bảo hiểm xã hội tự nguyện cần phải bổ sung các dịch vụ như thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp… để đáp ứng nhu cầu đặc thù của phụ nữ.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện cần phải được bổ sung các dịch vụ như thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp… để đáp ứng nhu cầu đặc thù của phụ nữ. Điều này cũng giúp cho phụ nữ trong khu vực kinh tế phi chính thức có thể tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.

Đây là khuyến nghị mà các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm chính sách “ Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào hệ thống an sinh xã hội: Ưu tiên cho phát triển” do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 31/3.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu “An sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ gái ở Việt Nam.” Đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về tác động của các hình thức an sinh xã hội hiện hành đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Nghiên cứu này cho thấy, sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động đã tăng lên trong những năm qua ở Việt Nam nhưng tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động vẫn thấp hơn nam. Phụ nữ phải làm những công việc bấp bênh và dễ bị tổn thương hơn. Khoảng cách tiền lương bình quân tháng của lao động nữ thấp hơn nam là 0,83.

Đặc biệt, trong nền kinh tế phi chính thức, số lượng lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội còn ít. Chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng chưa có các dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc thù của phụ nữ như thai sản, ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp… Chính vì vậy, phụ nữ đang bị nhiều rào cản khi muốn tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc điều hành UN Women, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka nhấn mạnh, trong nền kinh tế phi chính thức, nếu không được tiếp cận với bất cứ hình thức an sinh xã hội nào thì phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hơn, đặc biệt là đối với những phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ.

Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka cho rằng, lồng ghép giới trong an sinh xã hội là nền tảng để đạt được việc trao quyền đầy đủ cho phụ nữ và trẻ em gái. Chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định tính cần thiết của an sinh xã hội thông qua Nghị quyết số 15/NQ/CP năm 2012 đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội.

Đánh giá về hệ thống an sinh xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhận định: “Trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì việc lồng ghép giới cũng chưa được thực hiện đầy đủ và hiệu quả trong các chính sách an sinh xã hội.”

Trong thời gian tới, hệ thống an sinh xã hội cần phải tăng cường các dịch vụ xã hội cơ bản giúp phụ nữ yếu thế tiếp cận dễ dàng hơn. Theo đó, các chế độ bảo hiểm xã hội, dịch vụ y tế, trợ giúp xã hội, chính sách giảm nghèo… sẽ đều phải tính đến yếu tố bình đẳng giới và tăng cường sự tiếp cận cho phụ nữ và trẻ em gái./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục