Kiến nghị sửa nhiều quy định trong dự thảo Luật Hình sự (sửa đổi)

Góp ý dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị sửa quy định quyền của người bị buộc tội; quy trình tố tụng chống bức cung.
Kiến nghị sửa nhiều quy định trong dự thảo Luật Hình sự (sửa đổi) ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: chinhphu.vn)

Ngày 4/8, tiếp tục buổi hội thảo góp ý về dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý vào các quy định về quyền của người bị buộc tội, quyền của người bào chữa; các quy định về quy trình tố tụng góp phần chống bức cung, nhục hình.

Thảo luận về quyền của người bào chữa trong dự thảo, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, việc đặt người bào chữa trong Chương của những người tham gia tố tụng, phạm vi hoạt động thuộc lĩnh vực "bổ trợ tư pháp" như Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành cho thấy vị trí, vai trò của người bào chữa không được bình đẳng với người tiến hành tố tụng.

Trong dự thảo, các quy định liên quan đến người bào chữa lại được đặt tại 3 chương khác nhau, do đó cần đưa nội dung các Điều 50 (người bào chữa), Điều 51 (người bảo vệ quyền lợi của người bị tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố) và Điều 52 (người bảo vệ quyền lợi của đương sự) trong dự thảo Chương 4 (Chương Người tham gia tố tụng) thành điều khoản tương ứng trong Chương 7 (chương mới, quy định các nội dung liên quan đến bào chữa) nhằm bảo đảm cho người bào chữa nhanh chóng tiếp cận với quá trình giải quyết vụ án.

Mặt khác, cho rằng việc duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa như hiện hành là rào cản lớn, hạn chế sự tham gia của người bào chữa và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đặt trong vòng tố tụng, Luật sư Phan Trung Hoài kiến nghị Ban soạn thảo cần bỏ quy định phải có giấy chứng nhận bào chữa tại điều 56 Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành, chứ không chỉ thay đổi thành giấy đăng ký người bào chữa như trong điều 110 của dự thảo.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao lại cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cần được duy trì trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi).

Dẫn chứng về nhiều trường hợp luật sư không tham dự các phiên tòa tại địa phương dẫn đến việc các phiên tòa này bị hoãn, đại biểu Nguyễn Sơn cho rằng, việc duy trì cấp giấy chứng nhận bào chữa góp phần đảm bảo trách nhiệm tham gia tranh tụng của các luật sư; đồng thời giúp các cơ quan chức năng quản lý việc tiếp cận hồ sơ các vụ án của các luật sư, đảm bảo quy trình nghiêm ngặt trong quản lý hồ sơ, chứng cứ.

Thảo luận về việc sửa đổi các quy định trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) nhằm chống hành vi bức cung, nhục hình, đại biểu Đỗ Văn Đương ủng hộ việc hỏi cung bị can phải được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện thì cần nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung.

Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, dự thảo cần quy định cụ thể về số lần, trình tự, thủ tục, việc bảo quản và sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh, trong điều kiện công nghệ thông tin hiện nay, việc trang bị máy ghi âm, ghi hình tại phòng hỏi cung là không khó mặc dù kinh phí thực hiện sẽ lớn. Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Tất Kính, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an băn khoăn, việc bảo quản, lưu trữ số lượng khổng lồ băng ghi âm, ghi hình (nếu được quy định bắt buộc trong dự thảo) là khó khả thi.

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến góp ý, sửa đổi, bổ sung, thay đổi cách trình bày các quy định khác trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi).

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình kiến tạo môi trường pháp lý, góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam. Mọi ý kiến góp ý cho dự thảo sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục