Kiên quyết thu hồi đất khi nông lâm trường sử dụng sai mục đích

Phó Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thu hồi đất giao lại cho địa phương khi nông, lâm trường không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Kiên quyết thu hồi đất khi nông lâm trường sử dụng sai mục đích ảnh 1Người dân trồng rừng. (Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Hội nghị đã quán triệt 5 quan điểm sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp, các nhiệm vụ, giải pháp liên quan và nghe Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, dự thảo Nghị định của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp thay thế các Nghị định 170/2004/NĐ-CP, Nghị định 200/2004/NĐ-CP.

Các cơ quan liên quan báo cáo về cơ chế, chính sách tài chính, lao động khi sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp; hướng dẫn thực hiện rà soát, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thảo luận vào dự thảo các Thông tư Hướng dẫn về phương án quản lý rừng bền vững; Quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ việc sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp phải gắn với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, phù hợp với chủ trương, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nền kinh tế.

Chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong quản lý đất rừng thời gian qua, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng. Đất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể quản lý, sử dụng có hiệu quả; gắn quyền lợi với trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ, phát triển rừng.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục duy trì và hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung quy mô lớn; tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; sản xuất nông, lâm nghiệp phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc về đất đai, nhất là đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc, bảo đảm ổn định xã hội và thực hiện tốt việc đổi mới quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng. Các công ty nông, lâm nghiệp cần được xây dựng thành trung tâm liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp, trung tâm kinh tế, khoa học-công nghệ và văn hóa đối với nhân dân trong vùng; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước doanh nghiệp và người dân; xử lý hợp lý mối quan hệ này nhằm tạo động lực cho sự phát triển.

Nêu lên thực tế ở đâu cấp ủy đảng, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ, vận dụng sáng tạo nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, ở đó thành công, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; đổi mới và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong các công ty nông, lâm nghiệp.

Đề cập sâu về phương hướng thực hiện, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương trước mắt phân loại doanh nghiệp. Với các công ty nông nghiệp ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, nhà nước sẽ giữ 100% vốn. Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho công ty để tổ chức sản xuất, kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Với các công ty nông nghiệp có thể cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 65% vốn, tiến tới giảm dần, Nhà nước không chi phối. Tuy nhiên, phương án này phải được tiến hành rất thận trọng vì đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến người dân địa phương.

Một phương án khác được đề cập trong Nghị quyết đã được Phó Thủ tướng quán triệt là thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu của công ty và của người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu với các công ty kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; các công ty thực hiện khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm; các công ty có quy mô nhỏ, không cần thiết phải giữ lại phải giải thể, xử lý công nợ, tài sản trên đất (rừng, vườn cây) và bàn giao đất đai về địa phương quản lý bảo đảm quyền lợi của người đang nhận khoán, ổn định xã hội tại địa phương; xử lý nghiêm các sai phạm.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các công ty nông, lâm nghiệp, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các công ty này; xác định rõ diện tích các loại đất, sử dụng đúng mục đích từng loại đất. Đến năm 2015, việc chuyển giao đất và hồ sơ đất không có nhu cầu sử dụng, hiệu quả sử dụng thấp, hoang hóa phải hoàn thành.

Phó Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thu hồi đất giao lại cho địa phương khi nông, lâm trường không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích. Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được hoàn thành trong năm 2015. Các địa phương sau khi tiếp nhận đất phải tiến hành rà soát lại đối tượng sử dụng đất, diện tích của từng đối tượng đang sử dụng để thực hiện giao lại hoặc cho thuê./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục