Kiện toàn hệ thống quan trắc ứng phó sự cố bức xạ

Cả nước hiện có 10 trạm quan trắc phóng xạ môi trường nhưng chưa đủ năng lực để hỗ trợ công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
Bảo vệ môi trường khỏi bị ô nhiễm, suy thoái là một chiến lược có tầm đặc biệt quan trọng, mối quan tâm hàng đầu không chỉ của một địa phương, một quốc gia hay một khu vực nào đó mà là của cả cộng đồng thế giới.

Để bảo vệ môi trường, hoạt động quan trắc môi trường được đánh giá là vô cùng quan trọng và không thể thiếu được đối với mỗi quốc gia.

Còn nhiều hạn chế

Theo ông Tào Xuân Khánh, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại Việt nam cũng như các nước trên thế giới, hoạt động quan trắc môi trường có nhiệm vụ theo dõi thường xuyên chất lượng môi trường, đánh giá hiện trạng và cảnh báo ô nhiễm nếu có thể xảy ra.

Công tác quan trắc môi trường nói chung và phóng xạ môi trường nói riêng là một hoạt động quan trọng phục vụ công tác quản lý môi trường và phát triển kinh tế-xã hội.

“Để quản lý và sử dụng tối ưu tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường một cách có hiệu quả, điều trước tiên là phải có thông tin, số liệu đáng tin cậy, chính xác về chất lượng môi trường. Đây chính là cơ sở để dự báo trạng thái môi trường, xác định mức độ tác động của con người đến môi trường và làm rõ nhân tố nguồn tác động. Quan trắc môi trường là khâu quan trọng để có cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý và bảo vệ môi trường phát triển bền vững," ông Khánh nhấn mạnh.

Cả nước hiện có 10 trạm quan trắc phóng xạ môi trường do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Quốc phòng quản lý. Các trạm quan trắc đã có những đóng góp nhất định vào việc theo dõi, phân tích phóng xạ tự nhiên tại một số địa điểm trọng yếu trên toàn quốc như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, Lào Cai, Lạng Sơn...

Trong năm 2012, các trạm quan trắc của Bộ Quốc phòng đã thực hiện quan tắc liên tục mức bức xạ gamma trong không khí, lấy, xử lý, đo tổng bêta hàng trăm mẫu khí, đất, nước, sa lắng trên địa bàn quản lý và gửi mẫu không khí, sa lắng, lá thông ra trạm Hà Nội phân tích hoạt độ các đồng vị phóng xạ; thực hiện đánh giá, kiểm soát phóng xạ môi trường cho các công trình quân sự…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, qua thực tế hoạt động, các trạm quan trắc đã bộc lộ một số hạn chế như các thiết bị chưa đồng bộ, một số đã lạc hậu, khả năng thu thập và phân tích chưa thực sự đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về tính liên tục, đại diện và độ nhạy theo yêu cầu khu vực và quốc tế; chưa có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các trạm trong mạng lưới thông tin; dữ liệu chưa thống nhất; không thực hiện được chức năng quan trắc và cảnh báo trực tuyến tình trạng phóng xạ một các thường xuyên, liên tục; chưa đủ năng lực để hỗ trợ công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân…

Kiện toàn hệ thống quan trắc

Thực hiện Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch mạng lưới quan trắc phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức soạn thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mạng lưới quan tắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, Thông tư quy định về định mức kinh tế-kỹ thuật quan tắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Bộ Quốc phòng đã đã giao các đơn vị chức năng xây dựng Đề án “Xây dựng, kiện toàn hệ thống quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường trong quân đội.”

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc “Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020” đã nêu rõ mục tiêu xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia nhằm bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.

Mạng lưới sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

Theo Quyết định, trong giai đoạn 2010-2015 xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường đặt tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trung tâm thực hiện việc kết nối, thu thập dữ liệu trực tuyến từ các trạm, các điểm quan trắc trong mạng lưới; xử lý kết quả quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu phóng xạ quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động phân tích đánh giá diễn biến và điều hành ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.

Trung tâm điều hành định kỳ sáu tháng một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu cung cấp dữ liệu về tình trạng phóng xạ môi trường cho hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia. Hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia có trách nhiệm cung cấp các dữ liệu về tài nguyên và môi trường cần thiết theo yêu cầu của Trung tâm điều hành để thực hiện quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường.

Bên cạnh đó, thực hiện kiện toàn đồng bộ bốn trạm vùng đặt tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đà Lạt (Lâm Đồng) cùng sáu trạm địa phương tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú yên, Bình Thuận, Ninh Thuận.

Trạm vùng có nhiệm vụ thu nhận dữ liệu quan trắc trực tuyến từ các trạm địa phương, trực tiếp tham gia đánh giá hiện trường trong kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp tỉnh và cấp cơ cở. Trạm địa phương được xây dựng tại một số tỉnh, thành phố không có trạm vùng và có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.

Giai đoạn 2016-2020, tiếp tục xây dựng và đưa vào hoạt động 10 trạm địa phương còn lại ở các tỉnh Nam Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang…; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, phân tích phóng xạ môi trường của mạng lưới đảm bảo hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại…/.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục