Kiến trúc mới cho Chợ Cồn: Tạo điểm nhấn cho du lịch Đà Nẵng

Quy hoạch chợ Cồn mới với tổng diện tích xây dựng đề xuất là gần 21.000 m2, cao tối đa 8 tầng, có bố trí khu chợ đêm, khu ẩm thực đêm hứa hẹn là điểm đến thu hút khách du lịch khi đến Đà Nẵng.
Kiến trúc mới cho Chợ Cồn: Tạo điểm nhấn cho du lịch Đà Nẵng ảnh 1Chợ Cồn hiên nay. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ngày 18/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lễ Công bố kết quả và trao giải "Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc chợ Cồn."

Kết quả, có 2 giải Nhì (không có giải Nhất), 1 giải Ba và 1 giải cộng đồng đã được trao cho các phương án thiết kế xuất sắc nhất.

Hai phương án đồng giải Nhì thuộc về Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng Nhà Vui và Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn Đại học Xây dựng, mỗi giải kèm theo tiền thưởng là 200 triệu đồng.

Một giải Ba với giá trị 100 triệu đồng đã thuộc về phương án của Công ty trách nhiệm hữu hạn GK Archi. Đồng thời, một giải Cộng đồng trị giá 40 triệu đồng đã được trao cho phương án đạt nhiều bình chọn nhất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng (Bộ Quốc phòng).

Ông Hồ Kỳ Minh - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch hội đồng cuộc thi cho biết thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, lựa chọn phương án tối ưu, tiến hành các hồ sơ thủ tục liên quan nhằm sớm triển khai dự án.

Phương án được chọn dựa trên nguyên tắc giữ lại nét kiến trúc truyền thống của chợ Cồn, đảm bảo nhu cầu của các tiểu thương và phát triển hình thức thương mại hiện đại.

Chợ Cồn - Khu chợ mang đậm ký ức đô thị Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, nếu như chợ Hàn (nằm sát Sông Hàn) là ngôi chợ đầu tiên, lâu đời nhất thì chợ Cồn nằm tại vị trí trung tâm thành phố lại được biết đến như chợ đầu mối lớn nhất, là nơi buôn bán tấp nập nhất Đà thành.

Không chỉ nổi tiếng với hàng ngàn gian hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, khu chợ này còn là một công trình mang đậm ký ức đô thị Đà Nẵng, là điểm đến của du khách khi ghé thăm thành phố biển.

Hiện nay chưa có bất cứ tài liệu, văn bản sử sách nào nêu chính xác thời điểm chợ Cồn được thành lập. Nhiều người Đà Nẵng tin rằng chợ Cồn được nhóm họp từ những năm 1940, nằm trên một cồn đất cao nên người dân đặt là chợ Cồn.

Cũng có ý kiến cho rằng chợ được hình thành muộn hơn, từ giữa những năm 1950, để “giảm tải” cho chợ Hàn, khi đó đã quá tải.

[Chợ Cồn - Ký ức đô thị Đà Nẵng]

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho biết căn cứ vào tình hình phân bố dân cư của thành phố Tourane (Đà Nẵng thời kỳ Pháp thuộc) đương thời, có thể chấp nhận ý kiến cho rằng thời điểm hình thành chợ Cồn là vào thập niên 1940.

Trong bối cảnh khu vực này, đường phố ở phía Nam (nay là Hùng Vương và đường Lý Thái Tổ), đường phố và Kho Đạn ở phía Tây (nay là đường Ông Ích Khiêm) đã được hình thành, dẫn đến dân cư đông đúc hơn trước, sinh hoạt sầm uất hẳn lên.

Khi mới được thành lập, dù chỉ với những lều bạt dựng tạm bợ, nhưng chợ Cồn luôn tấp nập, nhộn nhịp. Khi đó, Tourane còn khá nhỏ nên chợ Cồn nằm ở phía Tây, ngoài rìa thành phố. Sau này, thành phố Đà Nẵng phát triển rộng về phía Tây nên chợ trở thành trung tâm như hiện tại.

Vị trí ngoài rìa thành phố thuận tiện cho thương lái các tỉnh lân cận mang nông sản về cung cấp cho người dân thành phố, hàng hóa chủ yếu là rau xanh và các loại gia súc, gia cầm.

Là người đã xuất bản 4 cuốn sách về lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng - nhà nghiên cứu Phạm Ngô Minh cho rằng, thời điểm chợ Cồn được nhóm họp là trong thập niên 1940, khi dân cư từ các vùng quê có xu hướng tập trung lại các vùng đô thị. Theo ông, sở dĩ chợ Cồn từ một chợ tạm, trở thành một chợ bán sỉ tấp nập như hiện nay vì có tuyến đường sắt đi qua nên lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt rất lớn.

Ông cho biết, trong thời kỳ Pháp thuộc, chỉ chợ Hàn mới có ga đường sắt chứ chợ Cồn chưa có. Các cuộc trao đổi hàng hóa giữa tàu hỏa với tàu biển diễn ra tấp nập tại chợ Hàn. Nhưng không rõ vì lý do gì, đến khoảng những năm 1960, ga Chợ Hàn không còn hoạt động, trung tâm hàng hóa chuyển về ga chợ Cồn.

Từ năm 1960 đến 1975, hàng hóa từ các tỉnh thành lân cận tấp nập theo tàu hỏa nhập về chợ Cồn, nhiều nhất vẫn là lương thực-thực phẩm: Gạo, mía, tôm cá khô, gia súc, gia cầm... Từ đó, các tiểu thương chợ Cồn vừa bán sỉ vừa bán lẻ, cung cấp cho các hàng quán trong toàn thành phố, chợ Cồn trở thành chợ đầu mối lớn nhất Đà Nẵng.

Kiến trúc mới cho Chợ Cồn: Tạo điểm nhấn cho du lịch Đà Nẵng ảnh 2Một phương án đạt giải Nhì cuộc thi Thiết kế kiến trúc chợ Cồn. (Nguồn: TTXVN)

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, cùng với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, chợ Cồn ngày càng sầm uất, đông đúc, trở thành trung tâm mua sắm chính của thành phố.

Năm 1985, để kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước, chợ Cồn được phá dỡ, xây mới hoàn toàn. Công trình được thực hiện “thần tốc” trong 100 ngày, khánh thành đúng vào Ngày Giải phóng Đà Nẵng 29/3/1985.

Sau khi khánh thành, công trình được đổi tên thành Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng, gồm tòa nhà chính 3 tầng ở giữa, các dãy sạp hàng phía sau, với tổng diện tích khoảng 14.000m2. Hiện nay, kiến trúc này vẫn còn được giữ gần như nguyên trạng.

Nhưng dù đã được đổi tên, người dân Đà Nẵng vẫn giữ thói quen, gọi công trình này với cái tên thân thương “chợ Cồn.”

Đến năm 2012, chính quyền thành phố đã chính thức trả lại tên cũ cho chợ Cồn, tiếp tục phát triển thành khu chợ sỉ, lẻ lớn nhất thành phố. Sau 35 năm xây dựng, công trình này đã bộc lộ một số hạn chế, cần được “thổi làn gió mới” để phù hợp hơn với hình ảnh thành phố du lịch nổi tiếng Đà Nẵng.

Khoác chiếc áo mới cho Chợ Cồn

Đầu năm 2020, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc chợ Cồn đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các tiểu thương và đông đảo người dân trong thành phố.

Theo phương án kiến trúc được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt sẽ có tổng diện tích xây dựng sàn đề xuất là gần 21.000m2, cao tối đa 8 tầng; trong đó, khu vực chợ truyền thống (bố trí lại cho tiểu thương hiện có) tối đa 3 tầng; khu vực khai thác thương mại tối đa 5 tầng; khu vực tầng hầm để xe tối đa 2 tầng.

Đặc biệt, quy hoạch chợ Cồn mới còn tính đến phương án bố trí khu chợ đêm, khu ẩm thực đêm phục vụ cho người dân và du khách. Chợ đêm hoạt động từ 19 giờ đến 23 giờ, sản phẩm chủ yếu là hàng ăn, đồ lưu niệm, áo quần, giày dép, thời trang…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Kỳ Minh, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn cuộc thi tuyển phương án kiến trúc chợ Cồn, cho biết việc tuyển chọn phương án kiến trúc chợ Cồn đặt mục tiêu lựa chọn ra các phương án tốt nhất, có tính sáng tạo và khả thi, bảo đảm các tiêu chí về quy hoạch kiến trúc, tạo sự gắn kết hài hòa với không gian đô thị xung quanh và điểm nhấn kiến trúc cảnh quan cho khu vực.

Về tiêu chí, phương án kiến trúc chợ Cồn phải bảo đảm tính truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của thành phố, tạo dựng được hình ảnh riêng, đặc trưng thương hiệu chợ Cồn, gợi nhớ lại giá trị lịch sử lâu đời của chợ.

Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 19 đơn vị, trong đó có 2 đơn vị nước ngoài, với 21 phương án được đầu tư, nghiên cứu nghiêm túc, bảo đảm các yêu cầu về quy chế và nhiệm vụ đề ra.

Các phương án tốt nhất được công bố trao giải có tính sáng tạo và khả thi, phù hợp với các chỉ tiêu về quy hoạch, kiến trúc, tạo được sự gắn kết hài hòa với không gian đô thị xung quanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục