Kiều bào Áo tuần hành: Việt Nam chưa bao giờ đơn độc

Không chỉ người Việt mà cả người dân Tây Tạng, Philippines, Lào, Áo, EU cũng tham gia tuần hành phản đối Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Kiều bào Áo tuần hành: Việt Nam chưa bao giờ đơn độc ảnh 1Người Việt hô vang các khẩu hiệu. (Ảnh: Bích Yến-Colin Platz/Vietnam+)

Sáng 18/5, người Việt tại Cộng hòa Áo đã tổ chức cuộc tuần hành trước cửa Đại sứ quán Trung quốc tại Áo phản đối Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và kêu gọi Trung Quốc phải tôn trong luật pháp quốc tế.

Khoảng 300 người Việt, Tây Tạng, Philippines và người Áo đã tham gia tuần hành. Nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị Việt Nam Michael Platz cho biết: ''Việt Nam chưa bao giờ đơn độc trong các cuộc đấu tranh vì chính nghĩa. Bây giờ Việt Nam lại càng không đơn độc. Bạn thấy đấy, những người dân Tây Tạng, Philippines, Lào, Áo, EU... đang đứng trong hàng ngũ tuần hành với Việt Nam hôm nay."

Việt Nam không đơn độc

Chúng tôi biết được thông tin về cuộc tuần hành thông qua Facebook của Thanh niên Vienna, Hội phụ nữ Việt Nam tại Áo, Hội hữu nghị Áo-Việt. Mặc dù vậy, cuộc tuần hành không có một ban tổ chức rõ ràng. Họ cho rằng tình yêu Việt Nam là tự nguyện và họ đã gặp nhau ở tinh thần đó. Rồi một cá nhân đứng ra đăng ký với chính quyền Áo để được cấp phép cho cuộc tuần hành.

Anh Bùi Văn Sơn chia sẻ: "Chúng ta yêu nước, không cần phải có, phải chờ một ban tổ chức nào cả. Mọi người cùng một lòng một dạ thì tức khắc sẽ gặp nhau trong hành động thôi."

Thời tiết hôm nay rất xấu, mưa, lạnh, nên chúng tôi dự đoán sẽ không có nhiều người tham dự. Hơn nữa cộng đồng người Việt tại Áo chỉ khoảng 5.000 người (trong đó khoảng hơn 2.000 người sinh sống và làm việc tại Vienna). 9 giờ 30 chúng tôi có mặt trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc, mọi người lục tục kéo đến từ các ngả. Hơn 10 giờ, khi đội hình đã ổn định, mấy chị phụ nữ đứng hàng đầu, bắt đầu hô nhỏ "Hòa bình cho Việt Nam" bằng tiếng Việt và tiếng Đức. Âm giọng khởi động có vẻ ngại ngùng, rời rạc.

Một chị mặc áo dài truyền thống, choàng ngoài áo cờ đỏ sao vàng, thướt tha đi đi lại lại như đang động viên mọi người. Các bạn thanh niên sinh viên, các em nhỏ, các cụ già... đều dán cờ đỏ sao vàng trên trán, trên má, trên ngực trái...

Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Mọi người vẫn tiếp tục kéo đến. Họ che ô đứng sát bên nhau, dưới mưa. Một lúc sau, có một chị cầm loa, bắt nhịp to, rõ, dõng dạc "Hòa bình cho Việt Nam" bằng tiếng Đức và tất cả mọi người cùng hô vang theo chị khẩu hiệu "Hòa bình cho Biển Đông, hòa bình cho Tây Tạng, hòa bình cho Philippineses"... Cứ thế tiếng hô to và đanh dần.

Kiều bào Áo tuần hành: Việt Nam chưa bao giờ đơn độc ảnh 2

Chiếc loa tiếp tục được chuyển cho một người đàn ông, âm thanh lúc này mạnh mẽ hơn. Sau đó, đám đông đồng thanh hát quốc ca, hát những khúc hát thể hiện lòng tự hào dân tộc, và khúc hát về Hồ Chí Minh. Chiếc loa cũng được chuyển cho các bạn Tây Tạng. Họ hát vang khúc hát Tây Tạng trên nền trống liên hồi của Việt Nam.

Anh Hoàng Sơn (kỹ sư tin học) cho biết: "Người Áo, người Philippines, Tây Tạng và một số dân tộc khác cũng đang đứng trong hàng ngũ của chúng tôi hôm nay. Người Việt Nam dù sống ở đâu cũng luôn có lòng yêu nước, luôn sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ của mình để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của dân tộc."

Kiều bào Áo sẵn sàng "góp gió thành bão"

Chúng tôi nhìn thấy có một số người Việt gốc Hoa cũng tham gia tuần hành. Có thể với họ từ lâu Việt Nam đã là máu thịt nên hành động của họ hôm nay cũng không có gì đáng ngạc nhiên:

Bác Nguyễn Thị Quyên cho hay: "Tôi là người gốc Hoa nhưng nếu cho tôi chọn Trung Quốc hay Việt Nam thì tôi chọn Việt Nam. Khi nhà mình bị xâm chiếm, đương nhiên chúng ta phải đứng lên chống lại kẻ xâm lược. Cuộc tuần hành của bà con hôm nay là lẽ đương nhiên và chính đáng."

Theo chị Quỳnh (lấy chồng gốc Hoa) trên tay chị cầm tấm bản đồ thể hiện chủ quyền biển đảo của Việt Nam" "Tôi hy vọng Việt Nam sẽ bình an trở lại. Trung Quốc hãy rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam để cho phụ nữ và các em nhỏ có được cuộc sống yên bình bên những người chồng, người cha."

Bác Lê Văn Thánh (người cao tuổi) thì cho biết: "Đề nghị Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ quốc tế. Tôi mong nhân dân Trung Quốc, những người cao tuổi Trung Quốc hãy cố gắng lên tiếng vì hòa bình."

Hành động yêu nước của Việt kiều tại Áo không chỉ dừng lại ở lời nói, khẩu hiệu mà còn bằng những hành động vật chất thiết thực.

Cuộc tuần hành vừa chấm dứt, chị Anna Nguyễn (Nhà hàng Le Viet) đã đứng ra kêu gọi thành lập quỹ ủng hộ những người lính đang ngày đêm canh giữ Biển Đông. Bản thân chị cũng trích ngay một khoảng tiền 640 euro để gây dựng quỹ.

Còn theo các anh Hà, Hạnh, Bình, Nghĩa: "Chúng tôi tâm đầu ý hợp, cùng Việt Nam cương quyết bảo vệ toàn vệ lãnh thổ, một tấc đất, một giọt nước biển cũng không rời. Chúng tôi mang quốc tịch Áo, nhưng Việt Nam luôn là quê hương, bờ cõi, là tổ tiên của hàng nghìn thế hệ ông cha chúng tôi."

Chị Hằng cho biết: "Đây là lần đầu tiên bà con kiều bào Áo cùng nhau tổ chức tuần hành, chúng tôi chưa có kinh nghiệm nhưng kết quả khá tốt. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện việc làm này hàng tuần, hàng tháng."

Những người bạn quốc tế nói gì?

Theo chị Bích Thủy (Hội trưởng Hội phụ nữ Việt Nam tại Áo): "Chúng tôi cùng các bạn trong Hội đoàn sinh viên, doanh nghiệp, bà con kiều bào Áo, cũng như bạn bè quốc tế đến đây hôm nay, muốn nhắn gửi thông điệp tới phía Trung Quốc, đề nghị họ phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Đồng thời chúng tôi mong muốn bạn bè quốc tế hãy lên tiếng để Trung Quốc phải tôn trọng hòa bình và luật pháp quốc tế. Cuộc tuần hành sẽ không dừng lại ở đây, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi cộng đồng các nước ASEAN tại Áo, cùng tham gia tuần hành vào lần tới."

Kiều bào Áo tuần hành: Việt Nam chưa bao giờ đơn độc ảnh 3Các nhà báo tác nghiệp trong buổi tuần hành của người Việt tại Vienna. (Ảnh: Bích Yến-Colin Platz/Vietnam+)

Hành động của những người dân yêu nước đã khiến người bản xứ, các nhà báo quốc tế chứng kiến hôm đó cũng phải đồng tình. Một số nhà báo quốc tế đã hỏi xin cờ Việt Nam để làm kỷ niệm.

Nhà báo Sohail cho biết: "Các nước đều phải thể hiện sức mạnh của mình một khi bị nước lớn đe dọa. Việt Nam đang có một thứ tài sản vô cùng quý giá, đó là lòng yêu nước của những người Việt trên thế giới. Họ đã luôn hướng về đất Mẹ như thế này. Chúng tôi mong sớm ra biển tác nghiệp với các bạn. Khi đó chúng tôi sẽ mang theo lá cờ này, những thước phim tuần hành hôm nay để làm hành trang."

Nghe tin có cuộc tuần hành của người Việt một số nhà báo quốc tế tham dự vòng đàm phán Iran tại Áo đã hủy chuyến bay để ở lại đưa tin. Họ là những nhà báo chuyên theo dõi về mảng chiến trường.

Nhà báo Sajad Vaez cho biết: "Sau khi chúng tôi thực hiện các cuộc phỏng vấn với những người dân ở cuộc tuần hành này, chúng tôi thấy họ rất yêu nước, yêu hòa bình. Tôi nghĩ rằng các nước trên thế giới đều phải tôn trọng nền độc lập của nhau. Trung Quốc là nước lớn cần phải tôn trọng luật pháp và nền độc lập của các nước trong khu vực ASEAN đặc biệt là Việt Nam."

"Cuộc tuần hành hôm nay như một biểu hiện của sức mạnh mà các bạn ASEAN đã đoàn kết chống lại hành vi của Trung Quốc. Họ ôn hòa, trong tay không hề cầm một thứ vũ khí nào. Điều này cho thấy họ không nói với Trung Quốc rằng họ sẽ thực hiện cuộc chiến tranh. Mà họ mong muốn Trung Quốc phải tôn trọng họ, tôn trọng hòa bình. Tôi cho rằng vũ khí không phải là thứ mạnh nhất, thứ mạnh nhất chính là niềm tin. Hôm nay tôi đã thấy niềm tin của họ," nhà báo Mohamad Eshraghi chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục