Kiều bào ở đâu vẫn nhớ hương vị Tết quê hương

Gần 1.000 kiều bào đã tham dự chương trình "Xuân quê hương" tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, dâng hương hướng về cội nguồn.
Ngày 23 tháng Chạp - ngày theo phong tục truyền thống của người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công ông Táo về trời, gần 1.000 kiều bào đã tham dự chương trình "Xuân quê hương" tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Trong không khí thiêng liêng tại Rồng điện Kính thiên, bà con kiều bào thành kính dâng hương hướng về cội nguồn dân tộc. Những người con đất Việt dù ở đâu cũng mong muốn được đón Tết cổ truyền dân tộc tại quê hương.

Gần ngoài 70 tuổi nhưng đây mới là lần thứ 3 sau hơn 40 năm sống ở Thái Lan, bà Bà Trần Thị Liên đón Tết ở quê nhà. Thành kính dâng hương, bà Liên xúc động đến nghẹn lời khi tâm sự: "Ngần ấy thời gian sống xa Hà Nội, Tết nào, gia đình tôi cũng gói bánh chưng. Thái Lan nhiều loài hoa nở đẹp quanh năm nhưng tôi vẫn nhớ và thèm được nhìn thấy sắc hồng của hoa đào".

Bà Liên tự hào chia sẻ, gia đình 3 thế hệ của bà ở thủ đô Bangkok, Thái Lan vẫn duy trì mọi phong tục Tết truyền thống của dân tộc. Đó là lễ tiễn ông Công ông Táo về trời, bữa cơm Tất niên chiều 30 Tết, bữa cơm Tân niên sáng mồng 1 Tết đầy đủ mọi thành viên của gia đình. 4 cháu nội, 3 cháu ngoại của bà dù đã có người ngoài 20 tuổi vẫn háo hức mong chờ được tiền mừng tuổi của ông bà, bố mẹ.

Đã ở "tuổi xưa nay hiếm" và rất thấm thía cuộc sống xa quê hương nơi xứ người, bà Liên khẳng định, sau Tết Canh Dần này, bà sẽ sống những năm cuối đời ở Hà Nội. Quyết định đó của bà đã được 2 anh con trai ủng hộ bằng cách mua một căn nhà ở gần khu phố cổ của Hà Nội.

Lau những giọt nước mắt xúc động, bà Liên cười khoe: "Gia đình hai con trai sẽ về ở cùng tôi. Nhà rộng lắm mà!"

"Không đâu vui bằng Tết ở quê nhà" là chia sẻ chân thành của ông Bùi Công Khương, Chủ tịch Hội đồng hương Hải Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Âu Lạc tại Cộng hòa Séc.

Ông Khương cho rằng mình rất may mắn vì do đòi hỏi của công việc và có điều kiện kinh tế nên dù đã định cư ở Cộng hòa Séc gần 30 năm nhưng đã nhiều năm liên tục vợ chồng ông đón Tết ở quê hương. Dù bận mấy, vợ chồng ông cũng dành thời gian tự tay dọn dẹp, trang trí nhà cửa, đi chợ Tết và thành kính bày lễ cúng trên bàn thờ tổ tiên.

Đã lên chức ông bà nên ông Khương nói vui "Tôi nghĩ xa lắm nhé! Đã nghĩ cho đời cháu mình rồi đấy nên tôi và các thành viên trong Hội đồng quản trị đã quyết định đầu tư ở ngay chính quê hương Hải Dương".

Công ty Âu Lạc hoạt động trong lĩnh vực thương mại tổng hợp do ông Khương và đồng hương Hải Dương thành lập cách đây hơn 10 năm đang có dự án xây dựng tổ hợp khách sạn, nhà biệt thự trên rộng gần 14 ha với số vốn hơn 300 tỷ đồng tại thành phố Hải Dương.

Say sưa chụp ảnh ở bàn cho chữ của gần 10 ông đồ, Nguyễn Trường Thi, 18 tuổi, kiều bào sống tại New Zealand vẫn chưa hết ngạc nhiên và tò mò khi cầm trên tay chữ "Minh" được viết bằng nghệ thuật thư pháp. Sinh ra và lớn lên ở New Zealand, đang học Đại học ngành Quản lý Tài chính, đây là lần đầu tiên Thi về Việt Nam đón Tết cổ truyền.

Với Thi, hình ảnh những ông đồ áo the khăn xếp, nghiên mực, bút lông vừa thân quen vừa lạ lẫm. Thân quen vì Thi được bố mẹ kể cho nghe phong tục xin chữ ngày Xuân của dân tộc, lạ lẫm vì "các ông giỏi quá vì viết chữ như múa bằng bút lông".

Chàng trai này chẳng ngần ngại khi khoe: "Trưa nay em đã ăn hết nửa cái bánh chưng vì bánh chưng ăn ở nước mình ngon quá". Vừa mới là sinh viên đại học năm thứ nhất nhưng Thi đã khẳng định chắc nịch "Em sẽ về Việt Nam làm việc và em được bố mẹ rất ủng hộ."

Một tháng ở Việt Nam đón Tết cùng bố mẹ và gia đình bên nội, Thi đã lên kế hoạch chi tiết để khám phá quê hương đất nước.

Mang trong mình hai dòng máu Việt-Anh, Mary Lê, 20 tuổi, kiều bào ở thủ đô London (Anh) có mái tóc dài đen mượt, đôi mắt xanh, thướt tha trong chiếc áo dài Việt Nam.

Mary khoe rằng cô rất thích mặc áo dài và có đến 10 chiếc. Trong tất cả những dịp lễ trọng đại của bà con Việt kiều ở London, Mary đều mặc áo dài. Mary rất thích Tết Việt Nam vì lý do rất đáng yêu "em được nhiều tiền lì xì".

Đã nhiều năm được về quê nội đón Tết nhưng đây là lần đầu tiên Mary được vào khu Hoàng Thành Thăng Long nên cô tranh thủ để có được những bức ảnh đẹp nhất về khoe với bạn bè.

Những năm qua, "Xuân Quê hương" đã trở thành một hoạt động có tính xã hội rộng rãi vào dịp năm mới, qua đó, đã khơi dậy tình yêu sâu nặng của con cháu Lạc Hồng đang sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới hướng về Tổ quốc.

"Xuân Quê hương" góp phần tích cực tuyên truyền, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, là điểm hẹn để kiều bào chung vui với đồng bào trong nước và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam.../.

Hoàng Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục