Kim Jong-un tuyên bố các bước phi hạt nhân hóa lớn song có giới hạn

Thông điệp của ông Kim Jong-un là rõ ràng: thể hiện sự nghiêm túc trong việc đưa Bán đảo Triều Tiên trở thành một khu vực không vũ khí hạt nhân song điều đó còn tùy thuộc vào Washington..
Kim Jong-un tuyên bố các bước phi hạt nhân hóa lớn song có giới hạn ảnh 1Khói bốc lên sau khi Triều Tiên phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 19/9 đã công khai nói về một Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân trong một động thái chưa từng có và đồng ý phá hủy một bãi thử tên lửa chủ chốt dưới sự kiểm chứng của các chuyên gia quốc tế.

Trong các cuộc đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un cũng tuyên bố rằng chế độ của ông sẵn sàng thực hiện thêm các bước đi phi hạt nhân hóa nhưng tùy thuộc vào các hành động đáp lại của chính quyền Donald Trump.

Thông điệp của ông Kim Jong-un là rõ ràng: thể hiện sự nghiêm túc trong việc đưa Bán đảo Triều Tiên trở thành một khu vực không vũ khí hạt nhân song điều đó còn tùy thuộc vào Washington.

Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba diễn ra trong bối cảnh có nhiều người nghi ngờ về các cam kết phi hạt nhân hóa của chính quyền Bình Nhưỡng, mà phần đông cho là "mơ hồ."

[Hoài nghi về những hứa hẹn phi hạt nhân hóa của Kim Jong-un]

Mục tiêu số một của ông Moon Jae-in là giúp làm sống lại tiến trình đàm phán đang bị bế tắc sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim-Trump ở Singapore hồi tháng Sáu vừa qua. Vị tổng thống thiên tả này đã cố gắng làm trung gian để nối lại cuộc đàm phán chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên. Và nỗ lực của ông Moon lần này được dư luận đánh giá là đã thành công một nửa.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngắn chung sau hội đàm, ông Kim cho biết hai bên đã đưa ra một "cam kết mạnh mẽ," tích cực hành động để biến Triều Tiên thành một mảnh đất hòa bình không có vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa. Đây là lần đầu tiên ông Kim đề cập tới phi hạt nhân hóa trước truyền thông nước ngoài (ngoại trừ các thỏa thuận thượng đỉnh bằng văn bản và các thông điệp được truyền tải qua các đặc phái viên).

Chính quyền Bình Nhưỡng cũng nhất trí đóng cửa vĩnh viễn một cơ sở thử nghiệm động cơ và bãi phóng tên lửa ở khu vực Dongchang-ri (khu vực này còn được biết với cái tên bãi thử Seohae) gần biên giới với Trung Quốc.

Khu vực này đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Ông Kim cũng đã bày tỏ ý định của Triều Tiên có thêm các động thái, trong đó có việc phá bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon nếu chính quyền Trump có “các bước đi đáp lại" theo thỏa thuận đạt được ngày 12/6 ở Singapore.

Triều Tiên hiện mong muốn có sự đảm bảo an ninh, bắt đầu bằng việc tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Bình Nhưỡng cho rằng họ đã làm đủ trách nhiệm: ngừng các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, phá bỏ một bãi thử hạt nhân ở Punggye-ri và trả tự do cho những công dân Mỹ bị nước này giam giữ. Hiện vẫn chưa rõ ông Moon và ông Kim còn có thêm các thỏa thuận miệng hay không.

Cho Sung-ryul, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Chiến lược và An ninh Quốc gia Hàn Quốc, nhận định: "Nhiều khả năng đã có thêm những cuộc thảo luận về vấn đề khác ngoài vấn đề hạt nhân. Ngay cả khi nếu có như vậy thì Hàn Quốc và Triều Tiên khó mà tiết lộ một cách chi tiết." Chuyên gia này cho rằng ông Moon dường như đã đạt được "tối đa" những gì mà ông có thể làm đối với vấn đề "phi hạt nhân hóa."

Các trợ lý của ông Moon cũng nhấn mạnh rằng: việc hai nhà lãnh đạo chính thức đàm phán về vấn đề hạt nhân là rất có ý nghĩa bởi Triều Tiên từ lâu nay vẫn tuyên bố rằng đó là vấn đề phải được giải quyết song phương với Mỹ chứ không phải với Hàn Quốc. Một lần nữa ông Kim đã đẩy quả bóng (qua ông Moon) về phía ông Trump. Song điều chưa rõ là liệu ông Trump có thỏa mãn với thỏa thuận đạt được tại Bình Nhưỡng lần này hay không.

Ông Trump đã đưa ra phản ứng ban đầu trên mạng xã hội twitter. Ông lưu ý việc ông Kim đã chấp nhận "cho phép thanh sát hạt nhân trước, đàm phán sau và phá bỏ vĩnh viễn một bãi thử cũng như bãi phóng tên lửa dưới sự chứng kiến của các chuyên gia quốc tế."

Đối với ông Trump, lời hứa đóng cửa bãi thử tên lửa của ông Kim là không có gì mới. Ông Trump trước đây đã tuyên bố việc này nằm trong thỏa thuận tại Singapore và Triều Tiên “vốn đã phá bỏ bãi thử này" mặc dù không có chuyện "mời các giám sát viên quốc tế."

Bên cạnh đó, ông Trump có thể chú ý hơn tới việc ông Kim sẽ tới Seoul "trong tương lai gần," có thể vào cuối năm nay đặc biệt là trong bối cảnh Nhà Trắng đang thu xếp một cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim nữa trước những đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sớm tới New York hay thủ đô Washington vào cuối năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục