Kim ngạch thương mại Tây Nguyên với Đông Bắc Campuchia tăng

Từ năm 2012 đến nay, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Tây Nguyên với các tỉnh Đông Bắc (Campuchia) đạt trên 180 triệu USD/năm, tăng trung bình trên 10%/năm.
Kim ngạch thương mại Tây Nguyên với Đông Bắc Campuchia tăng ảnh 1Vườn cao su các tỉnh Tây Nguyên đầu tư tại Đông Bắc Campuchia. (Nguồn: baodaklak.vn)

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2012 đến nay, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Đông Bắc của Campuchia đã đạt trên 180 triệu USD/năm, tăng trung bình trên 10%/năm.

Theo đó, mặt hàng xuất khẩu của các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu là máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng, xăng dầu, dược phẩm, dụng cụ y tế, cây giống các loại. Còn các mặt hàng nhập khẩu từ các tỉnh Đông Bắc Campuchia gồm gỗ, dầu chia, mủ cao su và nông sản các loại.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện đã có 20 dự án đầu tư sang các tỉnh Đông Bắc Campuchia, với tổng số vốn đăng ký lên đến 970 triệu USD và đã giải ngân được gần 53%, chủ yếu là trên các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, trồng được hàng chục ngàn ha cao su.

Trong đó có, các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có nhiều dự án trồng cao su tại các huyện Lum Phăc, Đun Mia thuộc tỉnh Ratanakiri với 25.000ha. Các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông cũng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế sang hợp tác trồng cao su tại một số nơi của các huyện Pach chăn đa, Keosama thuộc tỉnh Mondulkiri, với diện tích 20.000ha…).

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các doanh nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên hợp tác thương mại và đầu tư tại các tỉnh Đông Bắc (Campuchia) đều chấp hành tốt các chính sách, pháp luật và quan tâm đến việc hỗ trợ an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ của các địa phương của các tỉnh Đông Bắc (Campuchia).

Đặc biệt, các doanh nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên đã hỗ trợ các tỉnh Đông Bắc (Campuchia) đầu tư vốn xây dựng hạ tầng như xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, khai thông các cặp cửa khẩu, đầu tư xây dựng trường học, trường dạy nghề, nhà làm việc, chợ biên giới…

Hai bên cũng tổ chức các đoàn thăm, làm việc, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tổ chức một số hoạt động giao lưu nhân dân, ký kết phối hợp giữa mặt trận đoàn thể, thanh niên các tỉnh giáp biên.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đề nghị các ngành chức năng của Việt Nam sớm ban hành cơ chế ưu đãi đặc biệt về ngoại hối, tín dụng, sửa đổi, bổ sung những quy định pháp lý về quy định, thủ tục, đơn giản hóa các giấy tờ, hỗ sơ để rút ngắn thời gian xin cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Campuchia.

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị các đơn vị chức năng cần tác động với Chính phủ, các bộ, ngành của Campuchia để có những quy định cụ thể về hợp tác lao động, tránh đánh thuế 2 lần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của ta thực hiện các dự án đúng tiến độ…/.




(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục