Kim ngạch xuất khẩu giữ nhịp tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm

Dù thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất kéo dài nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta vẫn duy trì mức tăng trưởng cao trong hai tháng đầu năm 2018.
Kim ngạch xuất khẩu giữ nhịp tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Dù thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất kéo dài nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng ​cao trong hai tháng đầu năm 2018.

[Xuất nhập khẩu hướng tới cán cân thương mại bền vững năm 2020]

Xuất khẩu của doanh nghiệp nội tăng 25,7%

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2018 ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

​Tính chung 2 tháng, xuất khẩu đem về 33,6 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 25,7% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn đóng góp nhiều nhất cho kim ngạch chung với kết quả xuất khẩu 2 tháng ước đạt 27,8 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch đạt 6,6 tỷ USD, tăng 41,7%, tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 3,97 tỷ USD, tăng 19,2%. Ngoài ra, xuất khẩu giầy dép các loại cũng đem về 2,3 tỷ USD, tăng 11,9% và xuất khổ gỗ và sản phẩm gỗ với kim ngạch đạt 1,3 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ.

​Trong tháng 2/2018, do thời gian nghỉ Tết kéo dài nên kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản giảm khá mạnh, ước đạt 1,4 tỷ USD, giảm 42% so với tháng 1/2018 và giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Mặc dù vậy, tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, các mặt hàng tăng mạnh là nhân điều (26,8%), rau quả (18%) và gạo (2,6%).

Trong khi đó, xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản cũng giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu của nhóm ước đạt 632 triệu USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ.

​Thống kê cho thấy, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,2 tỷ USD, tăng 64,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo đó là Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu giữ được đà tăng tốt đối với Hàn Quốc (đạt 2,6 tỷ USD, tăng 36,4%) và thị trường Đông Á (tăng 39,1%) là một tín hiệu khả quan cho thấy nước ta đã từng bước tiếp cận và tận dụng được các lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết.

- Biểu đồ xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong tháng 1/2018:

Thặng dư thương mại 1,08 tỷ USD

Ở chiều ngược lại, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2018 ước đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,6% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng, cả nước nhập khẩu khoảng 32,54 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chi tiết hơn, theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng, nhóm hàng cần nhập khẩu tăng tới 15,6%. Trong đó nhập khẩu xăng dầu khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 50,8%, chất dẻo nguyên liệu ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, đây là những mặt hàng nhập khẩu phục vụ nhu cầu đầu vào cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong 2 tháng, Việt Nam cũng chi 1,9 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái) để nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu.

Không chỉ nhập khẩu lớn từ Trung Quốc với giá trị khoảng 9,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2017, Việt Nam còn nhập khẩu khoảng 7 tỷ USD từ thị trường Hàn Quốc, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, nhập khẩu từ thị trường ASEAN đạt 4,4 tỷ USD, tăng 13,2%; Nhật Bản đạt 2,5 tỷ USD, tăng 5,7%, trong khi nhập từ EU đạt 1,8 tỷ USD, tăng 5,7% còn Hoa Kỳ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, sau 2 tháng, thặng dư thương mại duy trì ở mức khá cao, khi xuất siêu 1,08 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,68 tỷ USD còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,76 tỷ USD.

Đánh giá tình hình chung, đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, kết quả xuất khẩu sau 2 tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 2/2018 được đánh giá là tương đối tích cực bởi năm nay, tháng Hai trùng với đợt nghỉ Tết Nguyên đán lên tới 7 ngày.

Nổi bật nhất trong bức tranh xuất khẩu là tăng trưởng vẫn giữ ở mức cao với mức tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi năm 2017 tăng 15,4% so với năm 2016. Đặc biệt, sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước với mức tăng trưởng lên đến 25,7%, cao hơn cả mức tăng của khối doanh nghiệp FDI là dấu hiệu hết sức tích cực đối với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam và là tiền đề để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2018.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp, các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai nghiêm túc, bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý và cải cách bộ máy tổ chức quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực cho sản xuất, chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

Một biện pháp nữa cũng được chú trọng đó là tăng cường các biện pháp tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là nông, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục