Sân golf không còn dễ

Kinh doanh sân golf - trò chơi tốn đất không còn dễ

Việc Chính phủ yêu cầu rà soát để hạ số lượng sân golf toàn quốc xuống dưới 115 làm rúng động toàn giới kinh doanh sân golf.
Những động thái mới nhất cho thấy, các cơ quan chức năng đang siết lại hoạt động đầu tư vào lĩnh vực sân golf, không cho phép tái diễn tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu kiểm soát.

Cùng với việc Thủ tướng quyết định dừng một dự án sân golf ở khu công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố Hà Nội vừa kiến nghị dừng 10 dự án sân golf chiếm đất nông nghiệp, nằm ở vùng đông dân cư, khó giải quyết việc làm khi thu hồi đất.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Chính phủ lại tiếp tục yêu cầu rà soát để hạ số lượng sân golf toàn quốc xuống dưới con số 115.

Những thông tin này đang làm rúng động giới kinh doanh sân golf ở Việt Nam.

Trò chơi tốn đất

Bình luận về môn thể thao golf ở Việt Nam, Giáo sư Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học Đất Việt Nam cho rằng, sân golf là một “trò chơi tốn đất”. Đáng lý “trò chơi” này nên cho đầu tư xây dựng ở vùng đồi núi hoặc đất không còn khả năng canh tác, song không ít sân golf ở Hà Nội lại chọn... cánh đồng lúa.

Điển hình cho dự án sân golf chiếm đất lúa là “Khu vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây”, nằm trên địa bàn xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Toàn bộ diện tích dự án hơn 198ha đều là đất lúa 2 vụ thuộc loại “bờ xôi ruộng mật” của cả 3 thôn trong xã là Đa Phúc, Thụy Khuê, Phúc Đức.

Trong đó, phần sân golf diện tích 93ha gần như lấy trọn vẹn cánh đồng của thôn Phúc Đức. Chính vì toàn “đụng” vào đất canh tác của bà con nên giải phóng mặt bằng  rất khó khăn, phức tạp.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Sài Sơn Nguyễn Đình Thụy, mặc dù dự án đã có quyết định thu hồi đất và triển khai từ năm 2007 nhưng đến nay xã mới chỉ thu hồi được 23ha trên địa bàn thôn Đa Phúc nhưng đã phải tạm dừng. Lý do không phải vì tiền đền bù thấp, cũng không phải không muốn có dự án, mà vì người dân lo cảnh không nghề nghiệp khi đất canh tác bị thu hồi.

Tương tự, dự án Khu sân golf-resort-vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ (huyện Ba Vì) với tổng diện tích 254,4ha được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết và giấy chứng nhận đầu tư cũng “đụng” phải 120ha đất của Trung tâm giống cây trồng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nơi đang lưu giữ nhiều nguồn gien quý hiếm mà việc di dời hết sức phức tạp.

Sân golf “Temple lake golf & resort” xã Phụng Châu và Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, ngoài việc hơn 97ha/128ha tổng diện tích dự án là đất lúa, dự án còn nằm trong khu vực chùa Trầm, vị trí nhạy cảm về văn hóa-xã hội-tâm linh.

Golf kèm… biệt thự

Phân tích những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các dự án sân golf, Thượng tá Phạm Mạnh Thông, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) cho biết, đa số đều có vi phạm.

“Phần lớn các dự án sân golf không có kho chứa phân bón riêng mà để lẫn với hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật. Các chất thải nguy hại không được thu gom và hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng xử lý chất thải nguy hại. Hầu hết các dự án đều không có biện pháp xử lý nước chảy tràn của bề mặt sân cỏ. Do đó, sau khi phun thuốc, hóa chất bảo dưỡng cỏ gặp nước mưa dẫn đến nguy cơ phát tán ra môi trường gây ô nhiễm” - Thượng tá Phạm Mạnh Thông nói.

Cũng theo đại diện Cục Cảnh sát Môi trường, các nhà đầu tư còn áp dụng “chiêu” lợi dụng hình thức đầu tư dự án sân golf để được cấp phép với diện tích đất rất lớn (trung bình trên 200ha/dự án) và được hưởng mức thuế thấp, sau đó, sử dụng vào các mục đích khác như kinh doanh nhà hàng, biệt thự, khách sạn, bất động sản...

Trong số 19 dự án sân golf trên địa bàn Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính, có không ít dự án, chủ đầu tư xin kèm theo sân golf việc xây dựng... biệt thự.

Ở dự án sân golf hồ Văn Sơn, huyện Chương Mỹ, trong tổng số 192 ha, sân golf chiếm 142 ha, còn lại là khu resort, khách sạn 5 sao, 300 căn biệt thự.

Ở dự án khu vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây, trong tổng diện tích chiếm đất 198ha, sân golf có 93ha, còn lại là khu vui chơi giải trí, khách sạn, biệt thự. Tương tự, dự án sân golf 36 lỗ kết hợp công viên cây xanh và khu du lịch Thanh Trì, nhà đầu tư đề xuất 449ha, trong đó sân golf 150ha, khu thương mại, dịch vụ 31ha, khu biệt thự và thể thao 118 ha.

Khảo sát của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng chỉ ra, diện tích quy hoạch sân golf của Hà Nội thực tế chỉ chiếm khoảng 35% tổng diện tích đất của các dự án có mục tiêu sân golf, còn lại là khách sạn, biệt thự, trung tâm thương mại, dịch vụ đô thị, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí.

Dự án dừng, người dân mừng

“Quan điểm của Hà Nội là đầu tư xây dựng sân golf phải theo định hướng quy hoạch chung của Hà Nội cũng như phù hợp với chiến lược bảo đảm an ninh lương thực, hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất” - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Phí Thái Bình cho biết.

Do đó, Hà Nội đề xuất, những dự án sử dụng nhiều đất trồng lúa, xây dựng ở vùng đông dân cư, vị trí nhạy cảm về chính trị, văn hóa, xã hội... gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng sẽ dừng.

Với tiêu chí này, 10/19 dự án được đề nghị dừng, chuyển mục tiêu đầu tư, trong đó có dự án chiếm nhiều đất nông nghiệp như Khu vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây, sân golf  “Temple lake golf & resort”; lấy vào đất trại giống cây trồng như sân golf hồ Cẩm Quỳ (Ba Vì); khó giải phóng mặt bằng, không phù hợp định hướng quy hoạch chung như Khu đô thị golf Mê Linh; Khu luyện tập thể thao vui chơi giải trí Mễ Trì (Từ Liêm), sân golf hồ Đồng Sương (Chương Mỹ), Khu du lịch đô thị sinh thái và sân golf Phú Mãn (Quốc Oai), sân golf hồ Mèo Gù (Ba Vì).

Nghe tin Hà Nội đề nghị dừng đầu tư 10 dự án sân golf, ông Tạ Văn Giang, thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (nơi có dự án Khu vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây) cho biết, người dân rất đồng tình với chủ trương đúng đắn của chính quyền thành phố.

Ông Giang cho biết, toàn cụm 1, thôn Phúc Đức hơn 100 hộ, sống thuần nông trên đất 2 vụ lúa 1 vụ màu/năm, bị dự án thu hồi gần như toàn bộ. Riêng nhà ông Giang, 8 nhân khẩu, 4 sào ruộng, bị mất hơn 70%.

“Từ lúc biết có dự án, người dân lo lắng mất ăn mất ngủ, sợ không còn đất sản xuất, nay thì tạm yên tâm rồi” - ông Giang phấn khởi. Bày tỏ sự vui mừng khi biết thành phố đề xuất dừng dự án sân golf, nhiều bà con ở Sài Sơn tâm sự: “Người dân muốn có ruộng sản xuất. Tiền đền bù nhận 'một cục' nhưng không nghề rồi cũng hết thôi."

Bài viết được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh Nhân thuộc VCCI và Vietnam+

(Doanh Nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục