"Kinh doanh xanh” để phát triển bền vững du lịch Việt Nam

Ngành du lịch cần triển khai thực hành "kinh doanh xanh” gắn du lịch với các hành động bảo vệ môi trường và khí hậu để phát triển bền vững. Đặc biệt, sự tham gia của cộng đồng là vô cùng quan trọng...
"Kinh doanh xanh” để phát triển bền vững du lịch Việt Nam ảnh 1Hình ảnh bãi biển Hội An bị nước biển xâm lấn vào năm 2014... (Ảnh chụp từ vệ tinh của Google Earth)

“Biến đổi khí hậu hiện là vấn đề nghiêm trọng mà Việt Nam phải đối mặt, trong đó ngành du lịch cũng như Liên minh châu Âu đều đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.”

Ông Bruno Angelet, Đại sứ kiêm Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu nhấn mạnh như vậy tại hội nghị “Việt Nam: Hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu” diễn ra hôm nay (17/8), tại Hà Nội.

Hội nghị chuyên đề này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch bền vững, quy mô lên tới 200 đại biểu, có mục tiêu nhằm tăng cường sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch cũng như chia sẻ thực hành tốt về thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động du lịch.

"Kinh doanh xanh” để du lịch bền vững

Ngày nay, con người đang gây ra những áp lực lên đa dạng sinh học và các hệ sinh thái (biến đổi môi trường sống, sự biến mất của các loài) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Trong đó, du lịch là ngành phụ thuộc vào môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học để tạo thu nhập và lợi ích đồng thời cũng là nhân tố gây ra và chịu hậu quả của suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của giáo sư Peter Burns, ở góc độ ngành Du lịch, nhiều Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp tỉnh/thành tuy đã có nhận thức về nguy cơ của biến đổi khí hậu, nhưng thiếu kiến thức chuyên môn về thích ứng và giảm thiểu.

Các biện pháp thích ứng thường dựa trên ứng phó của từng doanh nghiệp đơn lẻ, ví dụ một khu nghỉ dưỡng cố gắng làm những việc trong khả năng của mình, thay vì nỗ lực hợp tác trong một kế hoạch chung.

Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, ở phương diện khoa học, các đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động ứng phó biến đối khí hậu ở cấp tỉnh/thành có kiến thức khoa học rất tốt nhưng không nhận thức được những vấn đề khó khăn cụ thể, riêng biệt đối với ngành Du lịch. Do đó, chuyên gia Peter Burns nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc trao đổi thông tin hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ để những người làm Du lịch hiểu rõ về biến đổi khí hậu, và người làm khoa học hiểu biết thêm về ngành Du lịch.

Theo các chuyên gia, với vai trò phối hợp các đối tác trong Chính phủ, ngành du lịch cần đề ra các chính sách mới, quyết liệt, nhất quán và triển khai thực hành kinh doanh “xanh” gắn du lịch với các hành động bảo vệ môi trường và khí hậu.

"Kinh doanh xanh” để phát triển bền vững du lịch Việt Nam ảnh 2Trước đó 10 năm, vào 2004, bãi biển Hội An vẫn có những bãi cát dài thoai thoải. (Ảnh chụp từ vệ tinh của Google Earth)

Ngoài ra, tăng cường truyền thông cũng giúp tác động tới thái độ và mong đợi của du khách về thực hành bảo vệ môi trường khi đi du lịch.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Huyền - Điều phối viên dự án quốc gia, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho rằng sự tham gia của cộng đồng là vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc bảo vệ môi trường để phát triển du lịch trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Vì thế, muốn du lịch bền vững, theo bà Huyền “cần phải phát triển cộng đồng trước khi phát triển du lịch.”

Ngành du lịch ứng phó biến đổi khí hậu

Theo phân tích của các nhà khoa học và các chuyên gia, biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã tác động trực tiếp đến các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, văn hoá, du lịch, thương mại và dịch vụ, đồng thời gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực khác như giao thông, vận tải, xây dựng công nghiệp, y tế công cộng…

Nước biển dâng khiến một số bãi biển có thể bị biến mất trong khi một số khác bị xói lở sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên ở vùng đất thấp ven biển, làm hư hại các di sản văn hóa, các khu bảo tồn, các khu du lịch sinh thái, các cơ sở hạ tầng du lịch...

Thiên tai khiến một số cơ sở hạ tầng du lịch bị ngập, buộc phải di chuyển hoặc bị đình trệ kinh doanh, làm tăng chi phí cho việc cải tạo, di chuyển và bảo trì.

Nhằm hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam phát triển có trách nhiệm và bền vững, từ tháng Tư đến nay, Ban Quản lý Dự án EU-ESRT đã huy động chuyên gia quốc tế và trong nước về Biến đổi khí hậu để nghiên cứu thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế từ các điển hình tốt.

"Kinh doanh xanh” để phát triển bền vững du lịch Việt Nam ảnh 3Biến đổi khí hậu đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo Hòn Phụ tử ở tỉnh Kiên Giang. (Nguồn ảnh: Dự án EU)

Các chuyên gia đã khảo sát thực địa, gặp gỡ trao đổi thông tin với các bên liên quan tại khu vực 3 tỉnh duyên hải miền Trung (Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng) và 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang), tổ chức hội thảo tham vấn tại Quảng Nam, để xây dựng Tài liệu “Hướng dẫn thực hành tốt về phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam.”

Những hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đã giúp các địa phương nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cũng như tác động của nó đối với ngành du lịch. Nhận thức được nói đến không chỉ đối với các vấn đề liên quan tới môi trường, mà còn là yêu cầu đối với trách nhiệm quản lý điểm đến của Chính phủ và ngành du lịch, để giảm thiểu tác động tiêu cực và nâng cao yếu tố tích cực./.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (thuộc Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực du lịch và biến đổi khí hậu.

Mục tiêu của việc hợp tác là nhằm thiết lập cơ sở cùng phối hợp hành động giữa lĩnh vực du lịch và biến đổi khí hậu vì mục đích phát triển bền vững ngành du lịch và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục