Kinh hãi thi thể bị chặt đầu nằm rải rác khắp nơi tại Palmyra

Những hình ảnh gây sốc cho thấy nhiều thi thể bị chặt đầu rải rác trên khắp những con phố đẫm máu ở Palmyra. Họ là những nạn nhân của sự tàn bạo không ngừng nghỉ của IS.
Kinh hãi thi thể bị chặt đầu nằm rải rác khắp nơi tại Palmyra ảnh 1Khói bốc lên từ thành phố cổ Palmyra khi IS chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố này sau những cuộc giao tranh đẫm máu với lực lượng ủng hộ chính phủ. (Nguồn: Reuters)

Những hình ảnh gây sốc mới xuất hiện cho thấy nhiều thi thể bị chặt đầu rải rác trên khắp những con phố đẫm máu của Palmyra. Họ là nạn nhân của sự tàn bạo không ngừng nghỉ của IS khi những kẻ khủng bố tấn công thành phố cổ này.

Nhóm khủng bố hiện đã chiếm toàn bộ quyền kiểm soát Palmyra, đưa di sản thế giới này cùng với những hiện vật tạo tác vô giá có tuổi thọ 2.000 năm tới nguy cơ bị hủy hoại.

Các chiến binh thánh chiến cũng đã chiếm được căn cứ không quân, trụ sở tình báo và nhà tù khét tiếng của Palmyra, nơi hàng trăm tù nhân được cho là đã được thả tự do.

Nhóm giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở đặt tại Anh cho biết IS hiện đang nắm quyền kiểm soát một nửa lãnh thổ của đất nước.

Những lực lượng ủng hộ chính phủ đã phải rút lui sau khi 100 chiến binh bị sát hại trong các cuộc đụng độ bạo lực diễn ra chỉ trong vài giờ.

Đây là lần đầu tiên IS trực tiếp chiếm được một thành phố từ lực lượng quân đội Syria cùng đồng minh. Trong những tuần gần đây, lực lượng này đã vấp phải thất bại trước các nhóm nổi dậy khác ở khu vực phía tây bắc và phía nam.

Beibares, Tellawi, một nhà hoạt động ở tỉnh Homs, cho biết các tay súng đã tới nhà tù Tadmur, nơi hàng ngàn người chống đối chính phủ Syria đã và đang bị giam giữ và tra tấn trong nhiều năm qua.

Số phận của những tù nhân này vẫn chưa được xác định, mặc dù các tài khoản Twitter ủng hộ IS đã chia sẻ một bức ảnh chụp các tù nhân ăn mừng cùng với các chiến binh sau khi được trả tự do.

Các chiến binh thánh chiến cũng đã nắm quyền kiểm soát mỏ dầu Jazl ở Homs. Máy bay chiến đấu của chính phủ đã đáp trả bằng các cuộc không kích vào những địa điểm của IS trong thành phố.

Rami Abdulrahman, người đứng đầu SOHR, dựa trên thông tin từ mạng lưới nguồn tin dưới mặt đất, cho biết hiện chưa có báo cáo về việc các hiện vật tạo tác của thành phố bị phá hủy.

Thành phố Palmyra là nơi sở hữu một Di sản Thế giới do UNESCO công nhận, với những ngôi đền cổ và những con đường cột cổ, từng thu hút hàng ngàn khách du lịch.

Bộ trưởng về cổ vật của Syria trước đó cho biết rằng các phần tử nổi dậy sẽ phá hủy những di tích cổ này nếu chiếm được thành phố.

 

Ông cho biết nhóm nổi dậy đang kiểm soát một bệnh viện trong thành phố nơi các lực lượng Syria đã sử dụng như một cơ sở trước khi rút lui.

“Tình hình hiện giờ đang rất xấu,” Bộ trưởng cổ vật Syria Mamoun Abdulkarim cho biết sau khi IS chiếm giữ khu vực phía bắc của thành phố.

“Dù chỉ có 5 thành viên IS tới những công trình cổ thì chúng cũng sẽ phá hủy mọi thứ,” ông nói thêm và kêu gọi động thái quốc tế nhằm cứu lấy thành phố.

Đài truyền hình trung ương Syria cho biết lực lượng ủng hộ chính phủ đã bảo đảm được lối thoát an toàn cho hầu hết người dân tại đây.

Các chiến binh thánh chiến đã gây phẫn nộ trên toàn thế giới vào đầu năm nay khi đánh bom thành phố Assyria cổ đại Nimrud và đập phá những hiện vật tạo tác trong bảo tàng ở Mosul, cả hai đều thuộc lãnh thổ Iraq.

Kinh hãi thi thể bị chặt đầu nằm rải rác khắp nơi tại Palmyra ảnh 2IS đập phá những hiện vật tạo tác trong bảo tàng ở Mosul. (Nguồn: EPA)

Theo ông Abdulkarim, hàng trăm bức tượng và hiện vật cổ có trong bảo tàng Palmyra đã được vận chuyển ra khỏi thành phố, tuy nhiên nhiều di tích khác - trong đó có những lăng mộ lớn - không thể vận chuyển đi được.

Tin tức về Palmyra được đưa ra sau khi một quan chức Bộ Ngoại giao phát biểu vào cuối tuần trước rằng thất bại ở Ramadi đã buộc Mỹ phải có “cái nhìn vô cùng kỹ lưỡng” về chiến lược đối đầu với các phần tử cực đoan.

Việc giành được quyền kiểm soát Ramadi là chiến thắng đáng kể nhất của IS kể từ giữa năm 2014 khi nhóm này chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn dẫn tới chiến dịch không quân nhằm hỗ trợ Baghdad do Mỹ dẫn đầu.

Hôm 20/5, cảnh sát trưởng ở Anbar đã bị cách chức, sau khi trên mạng Internet xuất hiện đoạn băng cho thấy các nhân viên an ninh đã rời bỏ vị trí của mình ngay trong đỉnh điểm của đợt tấn công của IS.

Chiến thắng của nhóm cực đoan này đã làm dấy lên quan ngại quốc tế, khi vừa qua Pháp đã cam kết tổ chức các cuộc đàm phán quốc tế cấp cao vào tháng tới tại Paris về các mối đe dọa do IS đặt ra.

Chuyên gia Trung Đông Hassan Hassan, trên tạp chí Foreign Policy, đã cảnh báo rằng sự sụp đổ của Ramadi “đánh dấu một giai đoạn nguy hiểm mới của cuộc chiến” và sẽ tạo nên “hiệu ứng gợn sóng trên khắp các chiến trường Syria và Iraq.”

Một quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ đẩy mạnh viện trợ cho Iraq, bao gồm 1.000 hệ thống tên lửa chống tăng nhằm giúp ngăn chặn xe đánh bom tự sát, thúc đẩy việc đào tạo và trang bị cho các lực lượng bộ tộc chống lại IS.

Đề nghị không tiết lộ danh tính, quan chức này nhấn mạnh chiến thuật sử dụng “thiết bị nổ tự chế từ phương tiện giao thông” (VBIED) của IS để tấn công các tòa nhà và tường bảo vệ.

Ở Ramadi, một xe ủi đất được chất đầy chất nổ đã được sử dụng để đánh bom vành đai an toàn xung quanh một khu trại do chính phủ quản lý.

Khoảng 30 chiếc xe tương tự như xe Humvee sau đó đã tiến vào, trong đó có 10 xe chứa chất nổ đủ để có thể gây nên một vụ nổ với sức công phá tương đương với vụ đánh bom năm 1995 ở thành phố Oklahoma.

Bên cạnh hơn 3.000 cuộc không kích đã được thực hiện cho tới nay, Washington đã hỗ trợ cải cách sâu sắc hệ thống quân đội Iraq và tổ chức đào tạo người thuộc các bộ lạc Sunni.

Tuy nhiên, những động thái này vẫn không thể ngăn chặn được việc Ramadi rơi vào tay IS. Các cuộc phản công từ giờ sẽ do lực lượng dân quân do Iran ủng hộ dẫn đầu.

Trong chuyến thăm Baghdad hôm 20/5, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan đã nhấn mạnh cam kết của Tehran đối với việc thống nhất Iraq, song cũng nhấn mạnh vai trò của Iran trong cuộc chiến chống IS.

Theo các quan chức Anbar, ít nhất 500 người đã bị giết hại trong 3 ngày giao tranh ở Ramadi khi IS sử dụng một loạt xe đánh bom tự sát.

Cuộc rút lui hỗn loạn của lực lượng quân đội một lần nữa đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của lực lượng vũ trang thường xuyên của Iraq.

Hàng chục nghìn người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa khi diễn ra giao tranh. Vào ngày 20/5, hơn 2.000 người khác đã theo chân họ nhằm thoát khỏi cuộc xung đột đang tàn phá Anbar sau khi các nhà chức trách mở một cây cầu vốn đã bị đóng trong vòng 3 ngày./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục