Kinh nghiệm chỉ đạo tác chiến trong chiến tranh giải phóng

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã có bài viết nhan đề: “Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tác chiến chiến lược của Quân đội trong chiến tranh giải phóng - mấy bài học kinh nghiệm."
Kinh nghiệm chỉ đạo tác chiến trong chiến tranh giải phóng ảnh 1 Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điên Biên Phủ. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với nhan đề: “Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tác chiến chiến lược của Quân đội trong chiến tranh giải phóng – mấy bài học kinh nghiệm."

Gần 70 năm xây dựng, công tác và chiến đấu, Bộ Tổng Tham mưu luôn thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “… là cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể (Đảng), là cơ quan quan trọng của Quân đội…” (Bộ Tổng Tham mưu; Ban Tổng kết - Biên soạn lịch sử; Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954); Nhà in BTTM; Hà Nội - 1991; Tr 7.) đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; trong đó, đặc biệt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ đạo tác chiến chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh giải phóng.


Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tác chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tổng Tham mưu đã góp phần chỉ đạo quân dân Thủ đô và các thành phố, thị xã giành thắng lợi đánh bại một bước kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại và tạo đà cho bước phát triển tiếp theo của cuộc kháng chiến.

Tiếp đó, Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng kế hoạch bảo vệ chiến khu Việt Bắc. Khi quân Pháp mở cuộc tiến công lên chiến khu, ta đã chủ động đối phó, phối hợp chặt chẽ các khu vực, bẻ gãy các hướng tiến công của địch, phá thế bao vây, tiến công của chúng, bảo vệ an toàn khu căn cứ địa, trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến.

Trong Chiến dịch Biên giới, Bộ Tổng Tham mưu đã giúp Bộ Tổng Tư lệnh chuẩn bị chiến trường, nắm địch chính xác, xác định đúng phương châm chiến dịch: “đánh điểm, diệt viện”, có kế hoạch tác chiến phù hợp.

Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị tiêu diệt Đông Khê, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu vận động tiến công, bao vây, chia cắt tiến tới tiêu diệt hoàn toàn hai binh đoàn cơ động Lơ Pa-giơ và Sác-tông, đẩy lui binh đoàn Đờ La Bôm đến giải vây. Chiến thắng Biên giới 1950, đã tạo ra bước ngoặt cơ bản, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn chủ động tiến công.

Rút kinh nghiệm ba chiến dịch không thành công ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ trong 6 tháng đầu năm 1951; bước vào giai đoạn 1952-1953, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa hai mặt trận: chính diện và sau lưng địch; kết hợp hai phương thức: tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực và chiến tranh du kích rộng khắp. Do đó, các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào ta đã giành thắng lợi và đạt mục đích đề ra.

Bước sang Đông Xuân 1953-1954, phân tích, đánh giá đúng âm mưu chiến lược của Pháp và Mỹ trong Kế hoạch Nava; thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo, tổ chức lực lượng đánh vào các nơi địch tương đối yếu, có nhiều sơ hở, nhưng lại là địa bàn chiến lược mà địch không thể bỏ qua. Đó là Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và Bắc Tây Nguyên.

Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh chiến tranh du kích, đấu tranh ở các đô thị vùng sau lưng địch từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình - Trị - Thiên đến đồng bằng Bắc Bộ. Do đó, ta đã làm phá sản ngay từ đầu ý đồ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch Nava là tập trung binh lực. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nava buộc phải phân tán 44 tiểu đoàn cơ động tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với những nơi bị ta uy hiếp mạnh… Quân Pháp buộc phải tổ chức các cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm phòng ngự ở Bắc Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên và Điện Biên Phủ. Đây là tiền đề để ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến chiến lược trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tham mưu đã huy động toàn lực tham gia chỉ đạo và chỉ huy, góp phần cùng các cơ quan, đơn vị, nhân dân địa phương hoàn thành mọi mặt chuẩn bị; đã chuyển hướng kịp thời khi Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc.”

Quá trình chiến đấu, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các đơn vị vận dụng sáng tạo nhiều hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu trong tiến công trận địa, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm trong một chiến dịch quy mô lớn dài ngày, xa căn cứ hậu phương. Đồng thời, chỉ đạo các chiến trường toàn quốc phối hợp nhịp nhàng với Điện Biên Phủ. Bộ Tổng Tham mưu đã có những đóng góp quan trọng và có bước trưởng thành mới, toàn diện trong cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân (1953-1954), đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tác chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Bộ Tổng Tham mưu luôn theo dõi đánh giá đúng âm mưu chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đã có những đề xuất kịp thời, sát đúng giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị trên ba vùng chiến lược; mở tuyến đường chiến lược vận chuyển để chi viện cho cách mạng miền Nam; xây dựng các đơn vị chủ lực. Do đó, đến mùa khô 1964-1965, lực lượng vũ trang miền Nam đã có điều kiện mở một số chiến dịch như: Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia,… góp phần quyết định đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Ở miền Bắc, từ năm 1961 đến 1965, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ; hoàn thiện kế hoạch chiến lược bảo vệ miền Bắc; chỉ đạo đánh thắng các bước leo thang chiến tranh phá hoại ban đầu của đế quốc Mỹ ra miền Bắc (Ở miền Bắc, những ngày đầu tháng 8 năm 1964, với tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao và được chuẩn bị tốt về mọi mặt, bộ đội hải quân, phòng không và lực lượng vũ trang địa phương đã anh dũng đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc của Mỹ khi chúng xâm phạm vùng biển miền Bắc; tiếp đó đánh thắng trận đầu rất oanh liệt, mở đầu cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại, ngăn chặn và phong tỏa miền Bắc của không quân và hải quân Mỹ).

Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Bộ Tổng Tham mưu đã nghiên cứu, đề đạt với Quân ủy Trung ương về tổ chức các chiến trường, đặc biệt là mở Mặt trận Đường 9 – Bắc Quảng Trị (6/1966) (Chiến dịch này Bộ Tổng Tham mưu đã sử dụng lực lượng dự bị của Bộ thay phiên vào chiến đấu).

Tiếp đó, trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, quân và dân ta đã giữ vững thế chủ động, vận dụng sức mạnh tổng hợp, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược với quy mô lớn của Mỹ cùng với quân Việt Nam cộng hòa và quân một số nước “đồng minh” của Mỹ.

Mùa khô 1967-1968, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục xây dựng kế hoạch tiến công chiến lược, thực hiện cách đánh mới táo bạo, bất ngờ và đồng loạt. Mở đầu kế hoạch, ta mở chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh (bắt đầu từ ngày 20/1/1968) do Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy thực hiện thành công đòn nghi binh chiến dịch theo kế hoạch của cuộc tiến công chiến lược.

Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) quân và dân ta ở miền Nam đồng loạt mở cuộc tiến công vào 4 thành phố, 37 thị xã, hơn 100 thị trấn; đồng loạt đánh vào các cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Ở miền Bắc, Bộ Tổng Tham mưu đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng đánh bại chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ, nghiên cứu điều chỉnh kế hoạch chiến lược bảo vệ miền Bắc; tập trung triển khai chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu đề phòng địch tiến công ra Khu 4; tiếp tục tăng cường chi viện cho miền Nam và Lào.

Sau Tết Mậu Thân (1968), diễn biến trên chiến trường miền Nam có nhiều thay đổi. Trong những năm 1969-1970, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo điều chỉnh lại thế bố trí chiến trường, khôi phục lại thế liên hoàn làm chủ và tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược; kết hợp giữa tác chiến, xây dựng các lực lượng chủ lực và địa phương…

Tiếp tục chỉ đạo các chiến trường tổ chức một số chiến dịch đánh bại các cuộc hành quân của địch ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng và Đông Bắc Campuchia. Năm 1971, Bộ Tổng Tham mưu đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch ở Đường 9 - Nam Lào. Đây là chiến dịch phản công có ý nghĩa chiến lược đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của quân đội Việt Nam cộng hòa; chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” bị phá sản một bước nghiêm trọng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch tiến công chiến lược (1972) (Đây là, cuộc tiến công chiến lược của ta nhằm đánh giá khả năng, sức mạnh của quân Việt Nam cộng hòa cũng như khả năng chi viện, can thiệp của đế quốc Mỹ.) trên ba hướng: Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và phối hợp với các chiến dịch tổng hợp ở đồng bằng Nam Bộ, đồng bằng Khu 5; trong đó, xác định Trị - Thiên là hướng chủ yếu. Đồng thời, tiến hành làm kế hoạch hiệp đồng tác chiến giữa các chiến trường, kế hoạch chuẩn bị chiến trường, kế hoạch đưa quân, vũ khí, đạn dược, trang bị, phương tiện vào chiến trường, kế hoạch bảo đảm hậu cần, kỹ thuật…

Những thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, cùng với chiến công xuất sắc của trận “Điện Biên Phủ trên không” những ngày cuối tháng 12 năm 1972 trên bầu trời Thủ đô Hà Nội đã buộc chính quyền Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa ký Hiệp định Paris; quân Mỹ phải rút về nước.

Từ giữa năm 1973, Bộ Tổng Tham mưu được giao nghiên cứu kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm (1975-1976). Một trong những khó khăn nhất của kế hoạch là phải tìm hiểu khả năng can thiệp trở lại của Mỹ và sự can thiệp của các nước trong khu vực khi ta tiến công lớn…

Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các chiến trường thực hiện một số chiến dịch để tìm hiểu phản ứng của Mỹ như: chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức (từ ngày 17/7 đến ngày 25/8/1974), La Sơn - Mỏ Tàu (từ ngày 28/8 đến ngày 28/9/1974), Đường 14 – Phước Long (từ ngày 17/12/1974 đến ngày 6/1/1975)…

Công tác bảo đảm cho kế hoạch tiến công chiến lược được chuẩn bị rất chu đáo và triển khai rộng khắp trên tất cả các chiến trường (Đến đầu năm 1975 ta đã xây dựng được hệ thống đường vận tải và hành quân trên dãy Trường Sơn có tổng chiều dài: 16.790 km, gồm có 6.810 km đường trục dọc. 4.980 km đường trục ngang và 5.000 km đường vòng tránh. Hệ thống đường chiến dịch do các chiến trường mở lên đến 6.000 km. Hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.712 km vào đến Bù Gia Mập (miền Đông Nam Bộ)… ); đồng thời, xây dựng kế hoạch bảo vệ miền Bắc…, Bộ Tổng Tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng liên tiếp thành lập 4 quân đoàn chủ lực cơ động. Các lực lượng khác đều được kiện toàn về tổ chức, tăng cường về vũ khí, trang bị…; chỉ đạo tập trung xây dựng lực lượng chủ lực cơ động dự bị của Bộ; bộ đội chủ lực các quân khu; xây dựng lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích...

Ngày 9/1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công vào Nam Tây Nguyên, mục tiêu chủ yếu là Buôn Mê Thuột. Quá trình chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch, Bộ Tổng Tham mưu đã theo dõi sát diễn biến tình hình, lực lượng và thế trận của địch; tham mưu cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chính xác, kịp thời chuyển sang Tổng tiến công chiến lược, tạo và thúc đẩy thời cơ, giành thắng lợi ngày càng lớn, nhanh chóng và liên tiếp mở các chiến dịch tiếp theo.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao cho Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp chỉ huy chiến dịch giải phóng Huế, chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Chiến thắng trên chiến trường Tây Nguyên, cùng với Huế, Đà Nẵng được giải phóng đã tạo ra một cục diện mới trên chiến trường.

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn. Bộ Tổng Tham mưu gấp rút điều động lực lượng, vật chất cho chiến dịch và triển khai kế hoạch giải phóng Sài Gòn; chỉ đạo quân chủng Hải quân và Quân khu 5 giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Sau khi giải phóng Huế và Đà Nẵng, Bộ Tổng Tham mưu đề xuất với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tổ chức cánh quân duyên hải. Cánh quân này đã nhanh chóng phát triển, giải phóng các tỉnh đồng bằng ven biển, phá vỡ phòng tuyến Phan Rang; sau đó, phối hợp với các cánh quân khác đánh chiếm Sài Gòn, góp phần quan trọng vào kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng. Đây là sự minh chứng cho những đóng góp to lớn về công tác tham mưu, chỉ đạo tác chiến chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Từ chỉ đạo tác chiến chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu trong chiến tranh giải phóng, rút ra một số bài học sau:

Một là, nắm chắc ý đồ chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Đây là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình chỉ đạo tác chiến chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến cho thấy Bộ Tổng Tham mưu luôn quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, nắm vững ý đồ chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương.

Bộ Tổng Tham mưu đã tham mưu giúp Tổng Quân ủy (Quân ủy Trung ương), Tổng Tư lệnh chuẩn bị chiến trường để quyết định mở chiến dịch Biên giới và giành thắng lợi vang dội. Cả một tuyến biên giới từ Cao Bằng đến Lạng Sơn đã được khai thông. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố. Đường giao thông quốc tế được mở rộng, nối liền căn cứ địa Việt Bắc với Trung Quốc, qua đó đến Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy nhằm đánh bại Kế hoạch Nava, giành thắng lợi quyết định về quân sự, góp phần vào ký hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở ba nước Đông Dương, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo thực hiện mở 5 hướng tiến công chiến lược trên toàn Đông Dương..., buộc quân viễn chinh Pháp phải đổ quân xuống chiếm giữ Điện Biên Phủ. Từ đó, Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến giữa ta và địch. Kết cục ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau những chiến thắng làm thất bại các chiến lược: “chiến tranh đặc biệt,” “chiến tranh cục bộ” và một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo thực hiện thắng lợi cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên chiến trường miền Nam và chỉ đạo đánh thắng trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, buộc đối phương phải ký Hiệp định Paris, Mỹ phải rút quân về nước.

Thực hiện quyết tâm của Đảng, Bộ Tổng Tham mưu giúp Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam, chỉ đạo chiến dịch mở đầu vào Nam Tây Nguyên. Sau đó, tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chính xác, kịp thời chuyển sang Tổng tiến công chiến lược với kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hai là, nắm chắc tình hình, dự báo sát đúng, kịp thời phát hiện mọi ý đồ chiến lược và đánh bại mọi kế hoạch tác chiến của địch

Khi giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng Tham mưu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, Bộ Tổng Tham mưu phải: “… tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bầy mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng…” ( Bộ Tổng Tham mưu; Ban Tổng kết - Biên soạn lịch sử; Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954); Nhà in BTTM; Hà Nội - 1991; Tr 7. ).

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tổng Tham mưu đã tích cực nghiên cứu, nắm tình hình địch, giúp Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Tổng Tư lệnh có những quyết sách đúng, chỉ đạo toàn quốc kháng chiến thắng lợi, phá vỡ âm mưu và chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; sau đó, tiếp tục chỉ đạo đánh bại cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc của quân Pháp.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, nhờ có công tác nắm địch tốt, ta đã biết được âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp trong Kế hoạch Nava. Từ đó, Bộ Tổng Tham mưu đã kịp thời đề xuất với Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Tổng Tư lệnh tổ chức các chiến trường, chọn hướng chiến dịch đúng, địa bàn chiến dịch phù hợp, làm phân tán âm mưu xây dựng lực lượng cơ động tập trung mạnh của địch trên chiến trường chính Bắc Bộ, buộc địch phải đưa quân vào thung lũng Điện Biên Phủ và biến nơi đây thành chiến trường quyết chiến chiến lược với lực lượng chủ lực của ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vào năm 1971, Bộ Tổng Tham mưu đã dự báo đúng tình hình: địch sẽ tổ chức đánh phá tuyến đường vận chuyển của ta ở Đường 9 - Nam Lào, chia cắt ba nước Đông Dương. Từ đó, đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tác chiến phù hợp; điều chuyển lực lượng, phương tiện bố trí đúng những nơi dự kiến địch sẽ tiến công. Do vậy, ta đã giành thắng lợi lớn trong chiến dịch phản công này.

Sau những chiến dịch trong năm 1974 và đầu năm 1975, từ việc đánh giá đúng sức mạnh của quân đội Việt Nam cộng hòa và khả năng khó có thể can thiệp lại của đế quốc Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam trình Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua.

Ba là, xử lý đúng đắn những tình huống chiến lược, chiến dịch

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do ta dự báo chính xác: Thực dân Pháp nhất định sẽ đưa quân lên Việt Bắc, Bộ Tổng Tham mưu đã kịp thời điều chỉnh lực lượng, xác định đúng cánh quân chủ yếu của địch, tổ chức ngăn chặn và thực hành phản công đánh bại cuộc tiến công của địch, giữ vững chiến khu Việt Bắc.

Sau một số chiến dịch tiến công xuống Trung du và đồng bằng không đạt mục đích đề ra, Bộ Tổng Tham mưu đã giúp Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh kịp thời rút kinh nghiệm và chuyển hướng chiến dịch, địa bàn chiến dịch lên vùng rừng núi, nơi địch có nhiều sơ hở, mỏng yếu, nhưng địch không thể để mất… Do vậy, các chiến dịch sau này ta đều giành thắng lợi. Chiến dịch Điện Biên Phủ ban đầu đều không nằm trong kế hoạch của Nava cũng như của ta.

Trong quá trình tác chiến, do ta chọn địa bàn tác chiến phù hợp, các đòn tiến công của ta đủ mạnh, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó và tổ chức các tập đoàn cứ điểm để giữ các mục tiêu quan trọng, không thể để mất, nhất là Điện Biên Phủ. Trong thực hành chiến dịch, Bộ Tổng Tham mưu đã có những đóng góp quan trọng giúp Tư lệnh chiến dịch thực hiện quyết định thay đổi phương châm tác chiến; kịp thời xử trí các tình huống và có cách đánh phù hợp để tiêu diệt từng cụm cứ điểm tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, với quyết tâm giải phóng miền Nam, năm 1974 và đầu năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo mở một loạt các chiến dịch để đánh giá sức mạnh của quân đội Việt Nam cộng hòa và khả năng chi viện, can thiệp của đế quốc Mỹ và một số nước lớn. Từ đó, giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam.

Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình mọi mặt ngay từ khi chiến dịch mở đầu diễn ra, kịp thời đề xuất mở các chiến dịch tiếp theo tiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn… Với việc xử lý đúng đắn sáng tạo các tình huống chiến lược, chiến dịch, Bộ Tổng Tham mưu đã giúp cho Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bốn là, xây dựng tổ chức lực lượng, chú trọng lực lượng chủ lực trên các hướng chiến trường; coi trọng quyết tâm chiến lược

Để thực hiện thành công các chiến dịch đáp ứng ý đồ của chiến lược, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải có một lực lượng quân đội mạnh đủ sức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do đó, ngay từ khi được thành lập, Bộ Tổng Tham mưu đã tích cực góp phần vào việc chấn chỉnh và phát triển lực lượng vũ trang. Từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1946, Bộ Tổng Tham mưu tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển lực lượng vũ trang chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến; tổ chức huấn luyện bổ sung 6 đợt cán bộ Nam tiến.

Để chuẩn bị mở các chiến dịch lớn từ giữa năm 1949, các “đại đội độc lập” được lệnh rút về để cùng các tiểu đoàn tập trung xây dựng thành các trung đoàn, đại đoàn chủ lực (Hai đại đoàn 308, 304 và hai trung đoàn 174, 209); một số đơn vị binh chủng (pháo binh, công binh, thông tin, vận tải…) quy mô từ cấp đại đội đến cấp trung đoàn. Những đơn vị chủ lực này chính là những đơn vị góp phần quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Bắc, Bộ Tổng Tham mưu đã được giao nhiệm vụ xây dựng quân đội theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; theo kế hoạch xây dựng Quân đội 5 năm lần thứ nhất (1955-1960).

Ở chiến trường miền Nam, từ giữa năm 1964 cùng với Bộ Tư lệnh Miền, Quân ủy Miền, Bộ Tổng Tham mưu đã tham mưu tập trung xây dựng những đơn vị trung đoàn, sư đoàn chủ lực Miền, từ đó góp phần quyết định vào những chiến dịch đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Trong năm 1974 và đầu 1975 để chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng miền Nam, Bộ Tổng Tham mưu, đề nghị Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng liên tiếp thành lập 4 quân đoàn chủ lực và một số đơn vị binh chủng, quân chủng mới. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, những binh đoàn chủ lực và các đơn vị mới này đã góp phần quyết định vào các chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực, trong nước sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là tình hình Biển Đông, đặt ra cho Quân đội những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Bộ Tổng Tham mưu cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tốt các bài học kinh nghiệm trong những năm chiến tranh giải phóng.

Để Bộ Tổng Tham mưu hoàn thành các nhiệm vụ trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện tốt chức năng làm tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ công tác quân sự quốc phòng.

2. Thực hiện tốt Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Công an và cơ quan chức năng thường xuyên nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; tham mưu xử lý kịp thời, chính xác ngay từ cơ sở, không mắc mưu tạo cớ; không để bị động, bất ngờ, nhất là bất ngờ về chiến lược.

3. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; chuẩn bị những phương án tác chiến phù hợp, xử lý linh hoạt các tình huống chiến lược, chiến dịch. Chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, sức mạnh tổng hợp cho các đơn vị trong toàn quân.

4. Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu vững mạnh toàn diện, tổ chức biên chế phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.

5. Xây dựng đội ngũ cán bộ Bộ Tổng Tham mưu có bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ, mưu lược, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và Quân đội; đồng thời phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, nắm vững khoa học quân sự, hiểu biết thực tiễn, có tư duy chiến lược sắc sảo, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục