Kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến

Tọa đàm "Kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội.
Kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến ảnh 1Các đại biểu tham dự tọa đàm xem triển lãm ảnh do các phóng viên chiến trường của TTXVN thực hiện (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN)

Sáng 25/5, tại Hà Nội diễn ra cuộc tọa đàm "Kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam".

Sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo quốc tế "Báo chí về đề tài chiến tranh" do Hội Nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Học viện Báo chí Tuyên truyền, Báo Quân đội Nhân dân và Truyền hình Viettel phối hợp tổ chức.

Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm Thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015) và hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015).

Cuộc tọa đàm thu hút sự tham gia chia sẻ, trao đổi của nhiều phóng viên chiến trường của Báo Quân đội Nhân dân, các nhân chứng lịch sử, điển hình tiên tiến đã trở thành những tấm gương sáng cho quân và dân cả nước học tập, làm theo trong những năm tháng kháng chiến. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận chia sẻ kinh kinh nghiệm tác nghiệp, làm báo trong chiến tranh; nhà báo quốc tế...

Nhiều nhà báo chiến trường của Báo Quân đội Nhân dân đã trực tiếp chia sẻ nhiều câu chuyện sống động về việc tác nghiệp, kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong 2 cuộc kháng chiến trường kì giải phóng dân tộc...

Hai trong số 5 nhà báo của Báo Quân đội Nhân dân đã trực tiếp làm nên 33 số báo đặc biệt tại Điện Biên Phủ là nhà báo, đại tá Phạm Phú Bằng (86 tuổi) và Nguyễn Khắc Tiếp (92 tuổi) đã chia sẻ những thông tin chi tiết về cách thức và sáng tạo trong xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tiếp cận khai thác thông tin, sử dụng thể loại thích hợp, truyền tin bài trong điều kiện khó khăn ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Cả hai nhà báo đều khẳng định rằng làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ, người phóng viên phải phát huy tối đa tính năng động và sáng tạo vì tác nghiệp hoàn toàn độc lập. Vừa bám sát các đơn vị, vừa thường xuyên liên lạc với toà soạn ở mặt trận, họ còn phải duy trì liên lạc để chuyển bài vở, thông tin từ mặt trận về và nhận tin từ hậu phương. Họ vừa tìm thông tin, viết bài, biên tập, tổ chức báo, lăn lộn như những người lính thực sự.

Tối đến, bộ đội có thể được “xả hơi” đôi chút nhưng những người làm báo lại phải tranh thủ viết tin, bài để kịp chuyển cho toà soạn...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chưa có chiến dịch nào lại tập trung một lực lượng viết văn, làm báo đông đảo như trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chỉ riêng Báo Quân đội Nhân dân có tới 5 phóng viên dạn dày kinh nghiệm là Hoàng Xuân Tuỳ, Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và hoạ sỹ Nguyễn Bích. Ngoài ra còn có một số văn nghệ sỹ cũng tích cực tham gia viết báo như các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Trần Dần, Hoạ sỹ Mai Văn Hiến; các nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác; các nhà nhiếp ảnh Triệu Đại, Ngọc Thông; nhà quay phim Tiến Lợi…; sự tham gia góp sức của một lực lượng “nhà báo nghiệp dư là cán bộ tuyên huấn của các đại đoàn, cán bộ chính trị...

Lần đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng, Việt Nam tổ chức được toà soạn báo ở ngay mặt trận. Đó là toà soạn Báo Quân đội Nhân dân và ban biên tập các tờ tin đại đoàn, trung đoàn tại mặt trận Điện Biên Phủ. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức viết báo, in và phát hành báo ngay tại mặt trận.

Ở mặt trận Điện Biên Phủ, bộ ba (toà soạn báo - nhà in - đội phát hành) phối hợp hoạt động rất nhịp nhàng, nên các ấn phẩm báo chí đã phát huy được tác dụng, kịp thời động viên các lực lượng tham gia chiến dịch. Một đội ngũ làm báo chuyên nghiệp và không chuyên đông đảo, tuy thuộc nhiều cơ quan báo chí khác nhau nhưng đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Trong điều kiện khó khăn về thông tin lúc bấy giờ, đa số họ đều tập trung bài vở dành cho Báo Quân đội Nhân dân tại mặt trận, sau đó mới chuyển tải cho các báo của mình ở căn cứ địa Việt Bắc.

Trong 140 ngày đêm (kể cả thời kỳ trước mở màn chiến dịch) Báo Quân đội Nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ đã ra được 33 số. Cùng với báo chí cả nước nói chung, báo chí tại mặt trận Điện Biên Phủ đã đóng vai trò nòng cốt, hình thành nên “binh chủng đặc biệt”, không chỉ có tác dụng cổ vũ, tuyên truyền bộ đội trên chiến trường, mà còn có sức động viên rất lớn đối với hậu phương, đối với toàn quân, toàn Đảng, toàn dân ta thời đó; đồng thời góp phần vào chiến thắng quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ...

Cả nước bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc đã được giải phóng và xây dựng hệ thống báo chí mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng. Báo chí đã tập trung vào 2 nội dung chính là: Xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới ở miền Bắc hậu phương lớn của cả nước và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Với hệ thống báo chí hùng hậu, rộng khắp, báo chí cách mạng đã cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ người dân tham gia như “Thanh niên Ba sẵn sàng”, “Phụ nữ Ba đảm đang”... Tin chiến thắng, bình luận, tường thuật chiến thắng ở miền Bắc, miền Nam, nhiệm vụ sơ tán kết hợp sản xuất và đánh giặc cùng mọi mặt hoạt động của một xã hội thời chiến đã được phản ánh đậm nét ở tất cả các cơ quan báo chí.

Đặc biệt, những phát hiện điển hình trong chiến đấu và sản xuất trên các báo đã trở thành những khẩu hiệu, những phong trào hành động trong toàn quân, toàn dân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Nước còn giặc còn đi đánh giặc”, “Mỗi viên đạn một quân thù”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”… cùng với những “Cánh đồng 5 tấn”, “Đường cày đảm đang”…

Đó là những khẩu hiệu lay động tâm can rực lửa chiến đấu, thôi thúc thế hệ thanh niên cùng già trẻ, trai gái trên hậu phương lớn miền Bắc hăng hái hướng tới chiến trường, dốc lòng dốc sức chi viện miền Nam, đánh thắng chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc được phản ánh đậm nét trên các báo thời kỳ kháng chiến...

Các phóng viên chiến trường Việt Nam năm xưa cùng các đại biểu quốc tế đều nhất trí, các cuộc hội thảo, tọa đàm, triển lãm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo quốc tế "Báo chí về đề tài chiến tranh" đã cho chúng ta biết, hiểu rõ hơn về kinh nghiệm quý báu của báo chí về đề tài chiến tranh. Song tất cả đều mong muốn không phải sử dụng những kinh nghiệm này thêm lần nào nữa vì các nhà báo cách mạng cũng như nhân dân Việt Nam luôn nâng niu và khao khát gìn giữ hòa bình.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục