Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND cấp tỉnh

Chủ tọa kỳ họp phải linh hoạt, dân chủ; trình bày báo cáo tóm tắt để tiết kiệm thời gian; người chất vấn và người được chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, nêu được nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp.
Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND cấp tỉnh ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là chủ đề của Hội nghị Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026, do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức ngày 23/4, tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng đại diện Hội đồng Nhân dân 13 tỉnh, thành phố trong khu vực.

Các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giám sát, công tác phối hợp giữa Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong việc chuẩn bị và tổ chức kỳ họp Hội đồng Nhân dân; giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về các kỳ họp, hoạt động và vai trò của công tác này trong việc đưa các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh sớm phát huy hiệu quả; kinh nghiệm lựa chọn nội dung xây dựng và ban hành nghị quyết nâng cao chất lượng kỳ họp...

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phạm Quý Tiên, thời gian qua, các kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đều dành thời gian thỏa đáng cho chất vấn và trả lời chất vấn.

Thực tế cho thấy, hoạt động này đã góp phần khẳng định vai trò, năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố, giúp cho công tác điều hành phát triển kinh tế-xã hội có những chuyển biến tích cực. Một số vấn đề bức xúc từng bước được công khai, dân chủ, minh bạch, tìm giải pháp khắc phục kịp thời.

Nhằm nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp và nâng cao chất lượng hoạt động giải trình, Thường trực Hội đồng Nhân dân cần tăng cường công tác chỉ đạo.

Công tác điều hành của chủ tọa nên được đổi mới, linh hoạt trong việc dẫn dắt đại biểu Hội đồng Nhân dân thực hiện chất vấn, tái chất vấn theo đúng trọng tâm của nhóm câu hỏi chất vấn.

Cách thức chất vấn và giải trình theo từng nhóm chuyên đề, chuyên sâu với phương châm chất vấn đến cùng của vấn đề mang tính xây dựng, tháo gỡ, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Phát huy vai trò của Thường trực Hội đồng Nhân dân trong công tác chuẩn bị nội dung chất vấn, nội dung giải trình, đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực sau hoạt đông chất vấn, giải trình.

[Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ]

Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Khắc Toản cho biết, trong chất vấn vẫn còn tình trạng thủ trưởng một số đơn vị trả lời chung chung, sa vào kể thành tích, né tránh trách nhiệm, chưa làm rõ nguyên nhân, thực trạng, thiếu giải pháp và thời hạn khắc phục.

Một số đại biểu kinh nghiệm hoạt động còn ít, tâm lý ngại va chạm, chưa thực sự tích cực tham gia phát biểu, thảo luận, chất vấn tại kỳ họp.

Từ thực tiễn hoạt động và đối chiếu với các quy định của pháp luật, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương đề xuất một số giải pháp như cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân trong hoạt động giám sát; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị kỳ họp, thẩm tra các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết; đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng Nhân dân, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị thường thực Hội đồng Nhân dân tại 5 khu vực.

Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND cấp tỉnh ảnh 2Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Các hội nghị thực sự là diễn đàn để Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố, các cơ quan của Quốc hội chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm hay, những bài học quý góp phần nâng cao vai trò, vị trí và chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp, đưa công tác phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng Nhân dân các địa phương ngày càng gắn bó, thực chất hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao hoạt động của Hội đồng Nhân dân các tỉnh ngày càng chủ động, thực chất, phát huy trí tuệ của tập thể; tăng cường phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan; hoạt động giám sát được bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc.

Những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 của 11 tỉnh, thành phố như thu ngân sách hơn 578.340 tỷ đồng, chiếm khoảng 37,9% cả nước; tăng trưởng trung bình đạt 7,22%; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.524 USD, cao hơn so với bình quân cả nước.

Đạt được những kết quả này trước hết có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong đó có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Hội đồng Nhân dân các cấp.

Thời gian tới, Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đồng thời phải bám sát nội dung các văn kiện đại hội đảng bộ các cấp.

Việc lựa chọn nội dung, chương trình, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra là khâu then chốt, rất quan trọng. Nội dung trình Hội đồng Nhân dân xem xét, quyết định phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, giải quyết những vấn đề cử tri và dư luận quan tâm.

Chủ tọa kỳ họp phải linh hoạt, dân chủ; chỉ trình bày báo cáo tóm tắt tại kỳ họp để tiết kiệm thời gian. Người chất vấn và người được chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, đúng thẩm quyền, nêu được nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

Mỗi vị đại biểu cần thường xuyên nghiên cứu, nâng cao trình độ, kỹ năng để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và đề xuất các giải pháp; chú trọng tuyên truyền trước, trong và sau mỗi kỳ họp, nhất là các phiên thảo luận tại Hội trường, cần tiếp tục duy trì hình thức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cán bộ, cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục