Kinh tế Afghanistan sẽ về đâu khi bị chặn tiếp cận tài chính quốc tế

Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát, Afghanistan phải đối mặt với một “cơn đại hồng thủy” kinh tế, khi các cường quốc và các tổ chức tài chính quốc tế “đóng băng” hàng tỷ USD tài sản của nước này.
Kinh tế Afghanistan sẽ về đâu khi bị chặn tiếp cận tài chính quốc tế ảnh 1Ngân hàng Trung ương Afghanistan (DAB). (Nguồn: Bloomberg)

Bài viết đăng tải trên tờ The Los Angeles Times và được tờ Australia Financial Review dẫn lại của tác giả Nabih Bulos đã nhận định về tương lai của Afghanistan và khả năng nền kinh tế nước này phá sản nếu lực lượng Taliban bị ngăn chặn quyền tiếp cận hỗ trợ tài chính từ quốc tế.

Theo tác giả, sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, nước này đã phải đối mặt với một “cơn đại hồng thủy” kinh tế, khi các cường quốc thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế “đóng băng” hàng tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan, đồng thời đình chỉ quyền tiếp cận các quỹ và phong tỏa những khoản viện trợ trước kia.

Một nền kinh tế đã kiệt quệ vì chiến tranh

Khi tiếp quản thủ đô Kabul của Afghanistan, Taliban đối mặt với một đất nước kiệt quệ do chiến tranh trong suốt hai thập kỷ vừa qua và đang phụ thuộc phần lớn vào dòng viện trợ từ nước ngoài. Đây là nguồn tài chính giúp trang trải tới 3/4 chi tiêu của Chính phủ Afghanistan.

Năm 2019, Kabul được viện trợ 4,2 tỷ USD để đầu tư phát triển. Nếu không có khoản tiền này, Chính phủ Afghanistan có lẽ đã phá sản. Nhưng giờ đây, một phần không nhỏ trong số này có nguy cơ sẽ biến mất nếu Taliban hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc.

Taliban đang đối mặt với áp lực rất lớn để chứng minh cho người dân Afghanistan và thế giới thấy rằng ngoài việc duy trì các nguyên lý của đạo Hồi, họ còn có thể trả lương cho công chức, mua nhiên liệu, thu nhặt rác, vận hành các bệnh viện và phát triển một đất nước hiện đại hóa hơn.

Kinh tế Afghanistan sẽ về đâu khi bị chặn tiếp cận tài chính quốc tế ảnh 2Taliban dường như không quá lo ngại về sức ép của các nhà tài trợ quốc tế. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhóm này cũng cần minh chứng về việc liệu họ có khả năng chuyển đổi từ một nhóm vũ trang chỉ mới cầm quyền lần đầu tiên trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2001, thành một chính phủ có khả năng điều hành đất nước trong thời gian tới hay không?

Các cuộc biểu tình nhỏ lẻ, chống lại Taliban, đã nổ ra trên khắp Afghanistan, bởi một bộ phận dân số đã trở nên quen thuộc với sự hiện diện của đời sống tiện nghi mới, như điện thoại di động, quyền tự do dân sự, giáo dục và các quyền tự do khác, sau quãng thời gian kéo dài tới 20 năm sinh sống dưới sự bảo hộ của nước Mỹ.

[Hệ thống ngân hàng của Afghanistan đứng trước tương lai bất ổn]

Lực lượng Taliban một mặt đang tiến hành trấn áp sự phản kháng, mặt khác cố gắng chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc và các nhà đầu tư khu vực, thấy rằng họ có khả năng lãnh đạo đất nước.

Hình ảnh ngày càng trở nên quan trọng. Các phát ngôn viên của Taliban đã chủ động liên hệ với phóng viên nước ngoài ở Kabul, thể hiện rằng họ không giống như cách đây 20 năm, khi phụ nữ bị cấm ra ngoài làm việc và buộc phải mặc bộ đồ truyền thống burquas, che kín cả cơ thể.

Tuy nhiên, vấn đề cấp bách hiện nay là Afghanistan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, là "nền kinh tế tiền mặt." Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, chỉ 10% dân số trưởng thành của Afghanistan có tài khoản ngân hàng.

Đồng tiền nội địa Afghanistan, đồng afghani, duy trì giá trị nhờ các lô tiền viện trợ USD số lượng lớn từ nước ngoài chảy vào ngân hàng trung ương Afghanistan vài tuần một lần.

Theo ông Ajmal Ahmady, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan, người vừa rời khỏi nước này ngày 15/8, đồng tiền nội tệ được cung cấp dựa trên sự quy đổi từ khoảng 9-10 tỷ USD thuộc giỏ dự trữ ngoại tệ và vàng, cũng như các tài sản có tính thanh khoản khác, bao gồm cả trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông quốc tế, ông Ajmal Ahmady cho biết, hôm 13/8, ông đã nhận được thông tin rằng sẽ không có thêm lô tiền nào đến Afghanistan.

Chuyến viện trợ tài chính cuối cùng đã cập bến Afghanistan vào đúng ngày Taliban chiếm đóng thủ đô. Điều đó cũng có nghĩa là nước này, trên thực tế, bắt đầu thiếu tiền.

Ông Ahmady nói từ đầu tháng 8/2021, các quan chức ngân hàng trung ương Afghanistan đã bắt đầu giảm lượng tiền mặt, bao gồm cả đồng USD, được giữ tại các chi nhánh ngân hàng địa phương, trong bối cảnh lo ngại về sự tiến công của Taliban.

Sau khi bị chiếm đóng, các tổ chức tài chính và cửa hàng đổi tiền trên khắp Afghanistan luôn đóng cửa. Nếu các doanh nghiệp này mở cửa trở lại, sẽ xuất hiện tình trạng hỗn loạn, khi mọi người cùng đổ xô đi tìm tiền mặt. Anwar-ul-Haq Ahady, cựu Bộ trưởng Tài chính và từng là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan, cho biết điều này sẽ có “tác động rất tiêu cực đến tỷ giá và gây ảnh hưởng có hại cho nền kinh tế.”

Ông nói: “Lý do chính của sự ổn định ngoại hối là chúng tôi đã nhận được các khoản viện trợ khá lớn và liên tục. Các nhà quản lý tại Afghanistan bắt buộc phải nhận ra tình huống này.”

Ông Ahmady cho biết, Taliban chỉ có thể tiếp cận từ 0,1-0,2% tổng dự trữ quốc tế của Afghanistan. Một báo cáo kiểm toán cuối năm 2020 chỉ ra rằng có một lượng vàng khối và đồng bạc, trị giá khoảng 159.600 USD được cất giữ trong kho tiền bên trong tòa nhà Arg, dinh Tổng thống của Afghanistan, nơi Taliban đã tiếp quản vào ngày 15/8.

Ông Graeme Smith, nhà nghiên cứu tư vấn của Viện Phát triển Nước ngoài, cho biết, nếu không có sự hỗ trợ dành cho đồng tiền afghani, trong những tuần tới có thể chứng kiến sự đổ vỡ của đồng tiền này so với đồng USD, cùng sự gia tăng mạnh mẽ của giá thực phẩm.

Người Afghanistan có rất ít quyền tiếp cận với các nguồn tiền khác nhau. Công ty tài chính Western Union, một cứu cánh quan trọng để người dân Afghanistan nhận được tiền từ nước ngoài, hiện đã thông báo tạm ngừng dịch vụ tại quốc gia này, cho tới khi có thông báo mới.

Công ty MoneyGram, một dịch vụ chuyển tiền khác, không đưa ra thông báo tương tự, nhưng có vẻ cũng đã ngừng hoạt động tại Afghanistan.

Năm ngoái, tổng kiều hối gửi về Afghanistan đạt khoảng 788,9 triệu USD, gần 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.

Trong khi đó, sự bất ổn đã tàn phá Kabul. Các khu chợ hiện vẫn mở cửa, nhưng nhiều cửa hàng cao cấp đã đóng cửa.

… nay lại càng thêm khó khăn

Ngoài việc dự trữ tiền tệ bị phong tỏa, các cường quốc trên thế giới còn hạn chế quyền truy cập vào số lượng viện trợ khổng lồ vẫn thường dành cho nhà nước Afghanistan trước đây.

Kinh tế Afghanistan sẽ về đâu khi bị chặn tiếp cận tài chính quốc tế ảnh 3Kinh tế Afghanistan sẽ thay đổi thế nào sau khi Taliban kiểm soát? (Nguồn: Getty Images)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 18/8 thông báo sẽ giữ lại các khoản tài chính mà tổ chức này dự định dành cho Afghanistan, bao gồm 460 triệu USD Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR), một tài sản dự trữ mà Chính phủ Afganistan có thể đổi lấy tiền mặt.

Trong một tuyên bố phát hành cùng ngày, phát ngôn viên của IMF cho biết: “Như thường lệ, IMF ủng hộ quan điểm của cộng đồng quốc tế. Hiện tại, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có được thông tin rõ ràng trong việc công nhận chính phủ ở Afghanistan, do đó quốc gia này không thể tiếp cận SDR hoặc các nguồn lực khác của IMF.”

Các chính phủ hy vọng sẽ sử dụng nguồn viện trợ tài chính như một công cụ gây áp lực, buộc Taliban phải nhượng bộ.

Nhà phân tích David Mansfield, chuyên gia tư vấn người Afghanistan của Viện Phát triển Nước ngoài, người đã có các nghiên cứu chuyên sâu về nền kinh tế phi chính thức, cho biết nguồn thu nhập thực tế của Taliban có được là nhờ đánh thuế hàng hóa từ nhiên liệu đến thuốc lá, ôtô và khoáng sản, tất cả đều đi qua Afghanistan đến các nước láng giềng.

Ông Mansfield nói điều đó đặc biệt đúng ở các tỉnh, nơi bất kỳ khoản hỗ trợ phát triển nào được chuyển từ Kabul xuống cũng bị thu hẹp bởi các hoạt động kinh tế ngoài sổ sách.

Nguồn thu nhập đó đủ để Taliban trở thành lực lượng nổi dậy, nhưng cũng có dấu hiệu cho thấy lực lượng này có thể điều hành nhà nước với chi phí thấp hơn so với chính phủ mà Taliban thay thế.

Có một số lý do dẫn đến nhận định này. Taliban sẽ không phải chi từ 5 đến 6 tỷ USD cho nhân viên an ninh. Tuy nhiên, thu nhập của Taliban cũng phụ thuộc phần lớn vào các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.

Nước này đã tạo dựng sự liên kết với Taliban và muốn tiếp tục duy trì thương mại. Tháng trước, người đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar đã đến Thiên Tân, một thành phố hải cảng gần với thủ đô Bắc Kinh. Tại đây, ông Ghani Baradar đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và nói rằng Trung Quốc “luôn là một người bạn đáng tin cậy của người dân Afghanistan.”

Ông Mansfield chia sẻ thêm: “Vấn đề là Taliban muốn xây dựng một nhà nước như thế nào. Nếu họ nhận thấy loại điều kiện đưa ra cho họ hoàn toàn không phù hợp, họ có thể hướng tới một mô hình tối giản, giống như vào những năm 1990, với chỉ 5 hoặc 6 người - một nhóm dân quân nhỏ - ngồi xung quanh trụ sở huyện, không được cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục - chỉ tập trung vào an ninh. Nếu đúng như vậy, chúng ta có khả năng chứng kiến một cuộc di cư tỵ nạn, khủng hoảng kinh tế và siêu lạm phát.”.

Trong lúc đó, ông Ahmady nói thêm, ngân hàng sẽ không thể cung cấp tiền cho các khách hàng quen thuộc, một tình huống mà theo ông không liên quan gì ngân hàng trung ương hay các nhân viên của ngân hàng, mà là kết quả của chính sách trừng phạt.

Trên trang mạng Twitter cá nhân, ông Ahmady viết “Taliban và những kẻ chống lưng cho lực lượng này lẽ ra đã thấy trước kết quả như vậy. Taliban đã thắng về mặt quân sự, nhưng bây giờ sẽ phải đối mặt với việc làm thế nào để quản trị. Điều đó thật không dễ dàng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục