Kinh tế Ấn Độ có bị tác động trước việc kinh tế Nhật suy thoái?

Đối với Ấn Độ, chính sách tiền tệ dễ dãi của Tokyo một phần là do ảnh hưởng của việc rút dần chương trình nới lỏng định lượng tiền tệ của Fed.
Kinh tế Ấn Độ có bị tác động trước việc kinh tế Nhật suy thoái? ảnh 1Thủ tướng Narendra Modi tham gia lễ phát động chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ" tại thủ đô New Delhi ngày 25/9. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thông tin kinh tế Nhật Bản trượt vào suy thoái đã thu hút sự chú ý của các nhà kinh tế Ấn Độ.

Các nhà lập chính sách Ấn Độ cũng đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến khi kinh tế Nhật bị suy giảm quý thứ hai liên tiếp.

Đối với Ấn Độ, chính sách tiền tệ dễ dãi của Tokyo một phần là do ảnh hưởng của việc rút dần chương trình nới lỏng định lượng tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã triển khai một chiến lược thay đổi đầy tham vọng, được biết tới với thuật ngữ “Abenomics.”

Thủ tướng Abe cam kết sẽ chấm dứt tình trạng kinh tế Nhật Bản trì trệ kéo dài suốt hai thập niên bằng chiến lược "Abenomics" - bao gồm kế hoạch cải cách và thúc đẩy kinh tế quy mô lớn.

Tuy nhiên, chương trình này đã khiến Ngân hàng Tokyo in ra hàng trăm tỷ USD để mua trái phiếu của chính phủ và bơm tiền vào hệ thống tài chính.

Kinh tế Nhật trượt vào suy thoái trong lúc nhiều chuyên gia dự đoán nền kinh tế này sẽ hồi phục sau khi tuột dốc trong giai đoạn quý II năm 2014. Mức tiêu thụ trong nước của Nhật Bản suy giảm do dân số suy giảm và ngày càng già hóa.

Mặc dù thu nhập hộ gia đình đã tăng hơn nhiều so với một thập niên trước đây, song những người làm công ăn lương vẫn ngày càng khó khăn trong việc trang trải các chi phí sinh hoạt với mức lương nhận được từ các công việc bán thời gian hay hợp đồng lao động.

Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước lại bị mất đà tiên phong do chuyển hướng sản xuất sang các thị trường giá rẻ hơn ở nước ngoài.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, điều nguy hiểm hơn đối với Ấn Độ là “sức khỏe” của lĩnh vực công ty Nhật Bản.

Trong chuyến thăm Nhật Bản 5 ngày, từ ngày 30/8, Thủ tướng Narendra Modi đã thu hút được cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 35 tỷ USD từ Nhật Bản vào Ấn Độ trong 5 năm tới.

Ấn Độ cần vốn để tăng tỷ lệ đầu tư lên trên 40% GDP, đặc biệt đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng. Bên cạnh đó, FDI đưa nguồn ngoại tệ quan trọng vào Ấn Độ sẽ góp phần mang lại lợi ích kinh tế và chiến lược cho nước này.

Do vậy, thông tin tỷ lệ tăng trưởng thực tế hàng năm của Nhật Bản từ tháng 7-9/2014 chỉ đạt 1,6%, quý suy giảm thứ hai liên tiếp, khiến Ấn Độ không thể làm ngơ.

Kinh tế Nhật Bản bất ngờ trượt vào cuộc suy thoái khi đầu tư vào nhà ở và kinh doanh suy giảm sau khi thuế doanh thu tăng.

Tác động của cuộc suy thoái kinh tế Nhật càng phủ thêm bóng mây lên triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu trì trệ (đã chững lại ở mức 7,5% năm 2014 so với mức tăng 10,4% năm 2010), trong khi các nước châu Âu khó có thể tăng trưởng một cách thuận lợi.

Trong số các nền kinh tế lớn, chỉ có Mỹ và Anh đang có mức tăng trưởng khá, song giới chuyên gia chưa biết liệu đà này sẽ kéo dài được bao lâu.

Sự suy yếu của kinh tế Nhật Bản có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nhiều khu vực khác nếu các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng như máy móc, linh kiện điện tử và nguyên liệu thô.

Hy vọng việc Thủ tướng Abe công bố kế hoãn kế hoạch tăng thuế doanh thu (sales tax hike) lần thứ hai, dự kiến triển khai vào tháng 10 năm tới, sẽ góp phần giảm sức ép đối với nền kinh tế Nhật.

Tuy nhiên, sẽ khó đạt được tiến bộ trong việc giải quyết tình trạng nợ nần của chính phủ Nhật-khoản nợ lớn nhất trong số các nền kinh tế công nghiệp hóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục