Kinh tế Anh: Di chứng khủng hoảng có thể kéo dài đến năm 2024

Dịch bệnh và các đợt phong tỏa tạo ra tác động kép mạnh mẽ làm sản lượng của nền kinh tế Anh trong năm 2020 sụt giảm tồi tệ nhất trong hơn 300 năm.
Kinh tế Anh: Di chứng khủng hoảng có thể kéo dài đến năm 2024 ảnh 1Theo dự báo của OBR đưa ra ngày 3/3, vào quý 1/2022, nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm nay. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã quyết định áp dụng phong tỏa toàn quốc chống dịch COVID-19 lần đầu tiên từ ngày 23/3/2020.

Một năm kể từ đợt phong tỏa đầu tiên này, diễn biến tình hình của nền kinh tế Anh vẫn gắn chặt với tiến trình chống virus SARS-CoV-2, dù các hộ gia đình và công ty đã thích ứng tốt hơn với sự gián đoạn và làm việc từ xa.

Nền kinh tế Anh hiện đang đứng trước cơ hội phục hồi nhanh chóng nhờ triển khai tiêm chủng.

Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, những di chứng của cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa và có thể là vĩnh viễn.

Chuyện gì đã xảy ra?

Dịch bệnh và các đợt phong tỏa tạo ra tác động kép mạnh mẽ làm sản lượng của nền kinh tế Anh trong năm 2020 sụt giảm tồi tệ nhất trong hơn 300 năm.

Nước Anh đã sản xuất ra lượng hàng hóa và dịch vụ ít hơn 9,9% so với năm trước, một sự sụt giảm lớn hơn nhiều so với bất kỳ cuộc suy thoái nào kể từ khi khái niệm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được đưa ra vào đầu thế kỷ 20.

[BoE: Kinh tế Anh phục hồi sớm hơn nhờ thành tựu tiêm chủng COVID-19]

Tình hình cũng nghiêm trọng tương đương với các mùa Đông khắc nghiệt khi Anh còn là một xã hội nông nghiệp.

Đây cũng là đợt suy thoái kinh tế không đồng đều nhất kể từ khi các dữ liệu so sánh được bắt đầu thực hiện vào năm 1997.

Các ngành dược phẩm, nghiên cứu và dịch vụ giao hàng phát triển mạnh mẽ, trong khi sản lượng của lĩnh vực du lịch và khách sạn giảm mạnh.

Người lao động làm những công việc được trả lương cao, chẳng hạn như các nghề chuyên môn, phần lớn tiếp tục làm việc tại nhà, trong khi những người lao động trẻ và được trả lương thấp có nguy cơ mất việc làm hoặc bị sa thải cao hơn.

Yael Selfin, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn KPMG, cho biết: "Các hộ gia đình nghèo nhất đã chứng kiến thu nhập giảm mạnh nhất trong thời kỳ đại dịch… buộc nhiều người phải sử dụng đến bất kỳ khoản tiết kiệm nhỏ nào họ có."

Để bảo vệ sinh kế, Chính phủ Anh đã đưa ra một gói các biện pháp chưa từng thấy, trị giá lên đến 352 tỷ bảng (483 tỷ USD), đẩy tỷ lệ nợ công lên 97,5% GDP, mức cao nhất kể từ đầu những năm 1960.

Nền kinh tế Anh đang ở đâu?

Đến tháng 1/2021, giá trị hàng hóa và dịch vụ do nền kinh tế Anh sản xuất ra vẫn thấp hơn 9% so với một năm trước, khi đại dịch chưa nổ ra. Diễn biến này xấu hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác.

Dù sự khác biệt về phương pháp tính có thể làm phức tạp thêm những so sánh này, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giám sát tài khóa độc lập của Anh, cho biết: "Lý do chính khiến Anh phải chịu tác động về kinh tế lớn hơn từ đại dịch là vì Anh đã chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong do loại virus này cao hơn các quốc gia khác."

Trong một năm qua, xã hội đã học cách thích ứng. Khoảng một nửa số doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn và giải trí tiếp tục hoạt động vào đầu năm 2021, so với chỉ 20% trong lần phong tỏa đầu tiên.

Chi tiêu của người tiêu dùng trong những tháng gần đây cũng cho thấy một sự thu hẹp nhẹ hơn so với mùa Xuân năm ngoái, với 35% doanh số bán lẻ hiện được thực hiện trực tuyến - tăng 15% so với một năm trước.

Đa phần người lao động đã được bảo vệ khỏi tác động của suy thoái nhờ vào chương trình hỗ trợ trả lương của chính phủ.

Paul Dales, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết kế hoạch duy trì việc làm là "đáng chú ý" và "thành công hơn bất kỳ chương trình nào."

Tác động đầy đủ của đại dịch cũng đã bị che mờ khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, được gọi là Brexit, kết thúc, điều đã góp phần làm thương mại giảm mạnh.

Nền kinh tế Anh đang đi đến đâu?

Việc triển khai tiêm chủng nhanh chóng, tình trạng lây nhiễm giảm, việc kéo dài sự hỗ trợ của nhà nước sang năm 2021 và kế hoạch mở cửa trở lại các doanh nghiệp đều là chỉ dấu cho sự phục hồi kinh tế Anh mạnh mẽ vào cuối năm nay. Trong khi đó, hầu hết phần còn lại của châu Âu phải đối mặt với mối đe dọa của làn sóng thứ ba.

Theo dự báo của OBR đưa ra ngày 3/3, vào quý 1/2022, nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm nay.

Trong những tháng tới, diễn biến tình hình kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ mà người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại, bao gồm cả việc sử dụng một phần khoản tiết kiệm vượt mức hơn 160 tỷ bảng trong ngân hàng - khoản tiền tích lũy được nhờ chi tiêu ít hơn cho đi lại, du lịch và ăn uống.

Nếu người tiêu dùng chi tiêu ít hơn, chính phủ sẽ tiếp tục chịu áp lực kích thích nền kinh tế và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ xem xét áp dụng lãi suất âm.

Tuy nhiên, Andrew Goodwin, nhà kinh tế học tại công ty tư vấn Oxford Economics, cho rằng khoản tiết kiệm vượt mức "nằm trong tay không đúng người - phần lớn số tiền này nằm trong tay những người giàu, những người ít có khả năng chi tiêu khoản tiền này hơn."

Bất chấp sự phục hồi mạnh mẽ, OBR dự báo GDP của Anh sẽ vẫn thấp hơn 3% so với trước đại dịch vào năm 2024. Điều này có nghĩa là COVID-19 gây ra thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế Anh, với việc làm ít hơn, năng suất thấp hơn và cơ hội kinh doanh kém tích cực hơn. Những vết sẹo này được cho là gây ra bởi đầu tư thấp hơn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và dân số gia tăng thấp hơn do đại dịch.

Những người lạc quan đang hy vọng vào việc nền kinh tế sẽ trở lại bình thường một cách nhanh chóng hơn.

Paul Dales, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Capital Economics, lưu ý rằng không giống như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, nguồn cung tín dụng đã tăng chứ không phải giảm và người lao động vẫn duy trì việc làm của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục