Kinh tế châu Á gặp khó do giá dầu nhập khẩu bất ngờ tăng

Mức chênh lệch ngày càng tăng giữa sản lượng và nhu cầu đối với dầu mỏ của châu Á đang dẫn tới tình trạng thiếu vốn ngày một nghiêm trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế ở châu lục này.
Kinh tế châu Á gặp khó do giá dầu nhập khẩu bất ngờ tăng ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mức chênh lệch ngày càng tăng giữa sản lượng và nhu cầu đối với dầu mỏ của châu Á đang dẫn tới tình trạng thiếu vốn ngày một nghiêm trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế ở châu lục này và khiến các nước dễ bị tác động do tình trạng gián đoạn nguồn cung và giá dầu bất ngờ tăng.

Cụ thể, mức chênh lệch giữa cung và cầu đã tăng hơn 30% kể từ năm 2010 lên mức ước tính 25,7 triệu thùng/ngày trong năm 2016 và dự kiến tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2017. Tuy vậy, giá dầu tăng có nghĩa chi phí nhập khẩu dầu có thể tăng khoảng 33% chỉ trong vòng một năm lên 566 tỷ USD.

Nhập khẩu dầu ròng của châu Á đã vượt qua tổng mức tiêu thụ dầu ở Bắc Mỹ trong năm 2015 và bắt đầu tăng sau khi các nhà sản xuất cắt giảm đầu tư và hoạt động khai thác-sản xuất trong bối cảnh giá dầu thấp, dẫn tới nguy cơ các mỏ dầu giảm mạnh sản lượng trong thập niên tới.

Theo các nhà phân tích, hoạt động tìm kiếm những nguồn năng lượng mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã gần như đình trệ trong năm 2015 trong khi các hoạt động thăm dò gần đây đã phát hiện ra những trữ lượng khí đốt nhiều hơn là dầu.

Theo những tính toán dựa trên dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và kết quả thăm dò về giá dầu thô do hãng tin Reuters thực hiện trong tháng 8/2016, trong bối cảnh nhập khẩu dầu ròng của châu Á và giá dầu thô thế giới hồi phục, chi phí cho hoạt động nhập khẩu của châu lục này dự kiến tăng trở lại lên mức trên 500 tỷ USD năm 2017, lần đầu tiên trong ba năm qua.

Việc giá dầu giảm mạnh kể từ giữa năm 2014 đã giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu dầu cao cho các nền kinh tế châu Á. Tuy vậy, nhu cầu dầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến tăng thêm 800.000-900.000 thùng/ngày trong năm 2016 và 2017, trong khi sản lượng dầu của khu vực này có thể giảm 240.000-330.000 thùng/ngày trong cùng kỳ.

Trong một diễn biến liên quan, sau cuộc gặp với người đồng nhiệm Iran, Bijan Zanganeh, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Nouredine Bouterfa cho hay Iran sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ quyết định nào nhằm hỗ trợ cân bằng thị trường dầu sau khi giành lại thị phần như giai đoạn trước khi bị áp đặt lệnh trừng phạt quốc tế do chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Theo Cơ quan thông tin SHANA của Bộ Dầu mỏ Iran, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mong muốn giá dầu sẽ ở biên độ 50-60 USD/thùng.

Trong khi đó Thứ trưởng Dầu mỏ Iran Amir Hossein Zamaninia cho hay sự hỗ trợ của Iran đối với bất kỳ quyết định nào nhằm giúp khôi phục sự cân bằng cung cầu trên thị trường dầu mỏ, và nước này chỉ có thể hợp tác sau khi giành lại thị phần như trước khi chịu lệnh trừng phạt.

Tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ thế giới đã kéo giá dầu từ mức cao trên 100 USD/thùng hồi giữa năm 2014 xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua vào đầu năm 2016 với khoảng 27 USD/thùng. Sau đó, giá dầu Brent đã hồi phục và hiện được giao dịch ở mức khoảng 49 USD/thùng.

Trong thời gian qua, Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ ba OPEC, đã phát đi những tín hiệu tích cực về việc có thể hỗ trợ hành động chung nhằm khôi phục thị trường dầu thế giới liên quan tới khả năng khôi phục thỏa thuận "đóng băng" sản lượng.

Theo kế hoạch, các nước thành viên OPEC sẽ nhóm họp bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) tại Algeria trong hai ngày 26-28/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục