Kinh tế châu Á phục hồi nhanh hơn dự đoán

ADB cho rằng kinh tế châu Á có thể phục hồi nhanh hơn dự kiến từ cuộc khủng hoảng sau khi các nước hỗ trợ tài chính, tiền tệ.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 22/9 ra báo cáo thường niên cho rằng kinh tế châu Á có triển vọng phục hồi nhanh hơn dự kiến từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sau khi chính phủ các nước áp dụng các chính sách hỗ trợ tài chính và tiền tệ.
 
Theo báo cáo triển vọng kinh tế thường niên, ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng bình quân tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á trong năm 2009 lên 3,9% so với mức dự đoán 3,4% hồi tháng 3, đồng thời tăng mức dự báo tăng trưởng năm 2010 từ 6% lên 6,4%.
 
Tuy nhiên, ADB cảnh báo sự phục hồi trong khu vực vẫn chưa bền vững và các nhà hoạch định chính sách có nguy cơ làm chệch hướng tăng trưởng nếu họ rút lại các chính sách kích cầu quá sớm.
 
Báo cáo của ADB nêu rõ: "Nền tảng phục hồi là sự khuyến khích, đòi hỏi các chính phủ trong khu vực mở rộng các hoạt động về tiền tệ và tài chính, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ". ADB còn cho biết kinh tế Indonesia và Việt Nam cũng đã có sự tăng trưởng vững chắc.
 
Giáo sư Khoa Kinh tế Đại học Triều Tiên Lee Jong-Wha, nhà kinh tế trưởng của ADB cho rằng: "Bất chấp tình hình kinh tế toàn cầu xấu đi, châu Á vẫn phục hồi vững chắc từ khủng hoảng".
 
Giáo sư Lee khẳng định hoạt động kinh tế trong các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã khởi sắc và sản xuất có chiều hướng trở lại hình chữ V. Tuy nhiên, ông cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á không nên tự mãn về những gì đã đạt được.
 
ADB dự đoán kinh tế Trung Quốc năm 2009 sẽ đạt mức tăng trưởng 8,2%, tăng so với mức dự báo hồi tháng 3 là 7%. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt 8,9% vào năm 2010.
 
Nhiều nền kinh tế châu Á đã hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu Mỹ và châu Âu tiếp tục yếu kém. Giáo sư Lee cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2009 mà Bắc Kinh đề ra từ đầu năm nay giờ đã "nằm trong tầm tay".
 
Tuy nhiên, cách đây 2 tuần, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng đà phục hồi của Trung Quốc "vẫn chưa vững chắc" và vẫn còn quá sớm để rút lại các chính sách kích thích kinh tế.
 
Đối với Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba khu vực, ADB dự báo kinh tế nước này sẽ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2009, tăng so với dự báo 5% hồi tháng 3. Đặc biệt, Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2010 thay vì 6,5% theo dự báo trước đây.
 
Trong quý I, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đạt 6,1%, mức tăng thấp nhất so với hai quý trước. Sự tăng trưởng trở lại phản ánh sự phục hồi trong tăng trưởng công nghiệp lên 5% so với 2% trong 6 tháng trước.
 
Trong khi đó, ADB dự báo sản lượng nông nghiệp Ấn Độ năm 2009 sẽ tăng chậm do hạn hán và xuất khẩu suy giảm. Sản xuất nông nghiệp yếu kém trong quý II và III sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng chung trong năm nay mặc dù tình hình sẽ được cải thiện trong quý IV.
 
Giáo sư Lee cho rằng chính gói kích thích tài chính mạnh mẽ của New Delhi cùng với việc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) mạnh dạn nới lỏng chính sách tiền tệ đã "đặt dấu chấm hết" cho cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 ở nước này.
 
Báo cáo của ADB cho rằng RBI cần duy trì kiểm soát lạm phát song đồng thời không được chặn lại đà phục hồi kinh tế. Kinh tế Hàn Quốc được dự báo tiếp tục suy giảm, mặc dù vậy sẽ giảm chậm hơn nhờ sự can thiệp của chính phủ.
 
Trong khi đó, các nền kinh tế phụ thuộc nặng vào xuất khẩu như Hong Kong, Singapore và Đài Loan dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm nay do nhu cầu đối với hàng hóa của họ vẫn ở mức "lặng lẽ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục